Chất lượng sống

Ẩm thực

Những đặc sản Đắk Lắk hoang sơ mà cuốn hút

author 09:50 03/07/2016

(VietQ.vn) - Không chỉ sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, Đắk Lắk còn là cái nôi của nhiều món đặc sản bình dị nhưng rất được du khách thập phương yêu thích.

Sự kiện: Đặc sản các vùng miền Việt Nam

Món cá bống thác kho riềng là một món ăn có tính truyền thống của những đồng bào dân tộc tại Đắk Lắk. Cá bống Tây Nguyên sống ngay trong dòng thác đổ. Loại cá này chỉ thích nghi với môi trường nước đổ từ cao xuống, mình bé và trắng, thân tròn săn chắc như ngón tay.
Bơ là loại trái cây đặc sản của vùng  Tây Nguyên. Đây là một lọai trái cây ngon và bổ dưỡng lại rẻ và dễ ăn. Trái bơ có thể dùng tươi, ăn với bánh mì hoặc cơm nhưng cách ăn thường dùng nhất là dùng làm nguyên liệu cho các món sinh tố trái cây. Cây bơ được người Pháp du nhập vào Việt Nam khoảng những năm 40 của thế kỷ trước và được chọn trồng ở vùng đất đỏ bazan màu mỡ Tây Nguyên.
Lẩu lá rừng - đặc sản Đắk Lắk - như kiểu canh thập cẩm, đủ các loại lá rừng hợp lại mà thành. Đơn giản là làm sao chọn hái các loại lá lành tính, nấu lên cùng với thịt, tôm, cho gia vị như bất cứ món canh bình thường nào là xong. Dù nghe thì không mấy hấp dẫn nhưng lẩu lá rừng vẫn cho cảm giác rất khác khi thưởng thức.
Măng le - đặc sản Đắc Lắk - ngon không kém măng tre là mấy vì đặc ruột, vị ngọt, bùi và không đắng chát. Măng le tươi cũng như khô đều khá được lòng khách phương xa, nhất là khi họ từng có dịp thử món măng le thịt nai khô chấm muối lá bép ớt. Cái câu “Ai về nhắn với cội nguồn, Măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên'' đủ cho thấy măng le gần gũi với người dân chốn này đến thế nào. Vì vậy, đã qua Tây Nguyên, không nên bỏ qua việc thưởng thức món ăn này, hay chí ít cũng “dấm dúi” ít măng khô về làm quà.
Thịt nai giờ trở thành món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk vì vùng Tây Bắc giờ rất khó kiếm được. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non. Thịt bò 7 món đã gây thèm muốn, có nơi trở thành đặc sản, nhưng 7 món nai vượt xa một cách bất ngờ, cho nên càng không thể so sánh với bò, cho dù là bê cũng không đọ nổi với thịt nai.
Cá lăng, một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho người Tây Nguyên, là loài cá nước ngọt, thuộc bộ cá da trơn, có nhiều trên sông Sêrêpốk. Cá có vị ngọt, béo, thơm ngon nên đã có mặt trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng, khách sạn và được nhiều thực khách ưa chuộng. Cá lăng dùng để làm chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo, món nào cũng thơm cũng ngon.
Cơm lam được coi là món ăn của núi của rừng bởi chắt lọc trong đó vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non. Bắt đầu từ những chuyến đi dài ngày của người đàn ông với ống gạo mang theo, dao quắm và đánh lửa cùng ống nứa sẵn trong rừng nhưng theo bước chân những người khách du lịch, cơm lam đã trở thành món ăn đặc sản, làm say lòng du khách.
Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở Bản Đôn rộng, vườn thưa, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy. Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con.
Nếu một lần đến phố núi nằm ở cực bắc Tây Nguyên (Kontum), mời bạn cùng cư dân vùng sơn cước thưởng thức món gỏi lá đặc sản Tây Nguyên. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, nhiều loại rất quen thuộc nhưng cũng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có. Xếp một ''rừng'' lá, vị chủ nhà bắt đầu giới thiệu cho du khách từng loại lá khác nhau như lá lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, mơ, cải cay, ổi, đinh lăng, sung, lá lốt, trâm, mã đề, diếp cá, chó đẻ răng cưa, quế, húng, thuyền đất… Mỗi loại có một tác dụng chữa bệnh khác nhau.
Cà đắng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trong bữa cơm của người dân tộc Ê Đê như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt rừng,… Ngoài nấu chín, người Ê Đê còn ăn cà đắng sống, bằng cách giã nát cà rồi cho thêm gia vị: muối, ớt, bột ngọt, lá é, lá và củ nén.
Rau rừng đã có mặt cả trong các siêu thị ở Pleiku, được bán với giá khoảng hơn 30.000 đồng/kg. Riêng mắm cua thì không dễ kiếm, lại khó mang theo nên được thay bằng nước mắm kho quẹt kiểu Nam bộ, tuy không đúng chất rừng nhưng cũng chấp nhận được.
Uống rượu cần là thói quen lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý.Uống rượu cần thể hiện sự đoàn kết, thương yêu không có chuyện chén chú, chén anh, chén ông, chén bác… Mọi người cùng uống với nhau chung cần, trẻ, già, trai, gái nhâm nhi.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang