Vì sao phải tránh mèo đen trong lễ Halloween?

author 06:42 28/10/2015

(VietQ.vn) - Tại một số nước phương Tây cũng có những điều cần kiêng kỵ trong lễ Halloweeen như kiêng kỵ dùng dao, tránh gặp mèo đen vì sẽ đem lại vận xui.

Halloween có nghĩa là "Đêm vọng Lễ Các Thánh" là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31/10 hàng năm tại các nước Tây phương để tưởng nhớ những người đã chết, gồm các thánh, các vị tử đạo và tất cả các tín hữu trung kiên đã qua đời. Halloween xoay quanh chủ đề sử dụng "sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết". Ngày này những đứa trẻ sẽ hoá trang trong những bộ trang phục quái lạ đi đến gõ cửa những ngôi nhà để xin bánh kẹo.

Những điều cần kiêng kỵ trong lễ Halloween

Trong lễ Halloween, người dân nhiều nước phương Tây kiêng không gặp mèo đen vì quan niệm sẽ mang lại vận xui

Halloween được tổ chức ở các nước phương Tây, chủ yếu ở Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Ireland, Puerto Rico và bắt đầu trở nên phổ biến tại Úc, New Zealand và cả ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Cũng có ý kiến cho rằng Halloween tuy được tổ chức và nổi tiếng nhất ở Hoa Kỳ nhưng nguồn gốc lại xuất phát từ Mexico.

Trong ngày lễ này, nhiều nước phương Tây quan niệm có những điều cần kiêng kỵ, giống như người Việt Nam có những điều cần kiêng kỵ trong tháng cô hồn.

Cụ thể, tại Đức, người dân đặc biệt cấm kị dùng dao trong ngày lễ Halloween vì họ không muốn làm tổn thương các linh hồn đang trở lại trái đất.

Tại Bỉ và Tây Ban Nha, vào ngày Lễ Halloween 31/10, mèo đen bị xem là vận xui và mọi người tránh gặp mèo đeo.

Vậy tại sao lại có những tục kiêng kỵ như không dùng dao, tránh gặp mèo đen trong Lễ Halloween, đâu là cơ sở của những điều kiêng kỵ này. GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, cơ sở văn hóa cũng những điều kiêng kỵ nói chung là để tưởng nhớ về những người đã khuất và những giá trị nhân văn của cuộc sống.

Truyền thuyết Về Halloween của nước Ireland kể về câu chuyện của một người có tên là Jack. Jack là một chàng thiếu niên đã chết nhưng linh hồn không được phép vào Thiên Đàng vì lý do lúc sống, anh ta vốn là một người tham lam, bủn xỉn, thường cất giấu tiền bạc, keo kiệt không hề bố thí cho ai một chút gì. Thế nhưng anh ta lại cũng không thể vào Địa Ngục vì lúc còn sống anh ta đã từng chơi đùa với ma quỷ, nên quỷ không bắt anh.

Chuyện kể rằng, một hôm có con quỷ đến quấy phá một vùng dân cư, chẳng may bị báo động, người ta đến cầu cứu các vị tu sĩ đem các vật thánh đến “yểm” và “khóa các cửa” ra vào. Thế là con quỷ bị bắt… Jack đã nhận ra đó là con quỷ thường vui đùa với mình và Jack đã tìm cách gỡ vật “yểm ma quỷ” mở đường cho quỷ chạy thoát.

Để đền ơn cứu mạng, quỷ hứa với Jack là sẽ không bắt hồn Jack về Địa Ngục. Do đó, khi Jack chết vì một tai nạn, hồn Jack bị Thiên Đường từ chối. Jack liền tìm đến Địa Ngục, nhưng quỷ không cho vào… vì lời hứa trước. Thấy Jack lạnh lùng khổ sở, quỷ bèn lấy một ít than hồng ở Địa Ngục bỏ vào trong ruột một quả bí ngô và đưa cho Jack để sưởi ấm trên đường trở lại trần gian. Để cho không khí thông vào nuôi lửa, Jack phải đục thủng quả bí ngô và ánh lửa từ trong đã chiếu ra soi sáng nẻo đường lang thang của Jack. Có lẽ Jack phải cầm đèn đi lang thang trên mặt đất cho đến ngày phán xét cuối cùng của nhân loại.

Halloween lan rộng nhiều nước khác nhau, ở mỗi nước lại có những điều kiêng kỵ mang tính bản địa hóa liên quan đến văn hóa từng nước. Theo GS Ngô Đức Thịnh, bản chất của những điều kiêng kỵ của Halloween cũng giống như Rằm Tháng 7 của Việt Nam. Đây là ngày hướng về những linh hồn đã chết, mọi người tổ chức diễu hành đường phố, trong đó hóa trang và làm những gì quái đản, kinh dị nhất để phát huy trí tưởng tượng của con người.

“Cơ sở văn hóa của những điều kiêng kỵ trong lễ Halloween là để tưởng nhớ về những người đã khuất. Đây là vấn đề đồng quy nhân loại tuy có khác về hình thức ở mỗi địa phương nhưng đều mang bản chất nhân văn nghĩ về người chết để sống tốt hơn và suy ngẫm về những giá trị cuộc sống hiện tại. Giống như mỗi khi mình đi đám tang của những người thân quen mình nghĩ ai cũng phải chết tại sao sống phải hành hạ nhau mà không sống tốt đẹp với nhau cho cuộc sống tốt hơn đi”, GS Ngô Đức Thịnh nói.

Về khía cạnh khoa học, GS Ngô Đức Thịnh, nhân loại luôn muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “chết xong thì đi đâu?”. Về mặt tín ngưỡng, từ xa xưa, loài người trong đó có những người phương Tây luôn quan niệm sau khi chết linh hồn tồn tại ở một thế giới nào đó với những thắc mắc chúng ta xuất phát từ đâu và về đâu. Còn dưới góc độ khoa học, con người vẫn tiếp tục đi tìm và còn tiếp tục khám phá để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên. “Tuy nhiên, tôi mong con người không bao giờ khám phá ra sau khi chết sẽ như thế nào vì nó sẽ tổn thương đến trí tưởng tượng của con người. Nếu người ta biết là chết là hết tất cả thì họ sẽ sống khác”, GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ.

GS Ngô Đức Thịnh đã từng dự Lễ Halloween ở Mỹ khi đến thăm gia đình một giáo sư ở Texas có. Lúc đến khoảng 5 – 6h, trời chập choạng tối, GS Ngô Đức Thịnh vừa  bước vào sảnh trong phòng khách, bỗng nhiễn một “xác chết” ở trên trần nhà rơi xuống. “Tôi hãi phát khiếp, thót tim và đứng sững lại mất một phút.  Họ làm những gì quái đản nhất không chỉ đơn thuần là trò chơi. Về thời trang họ mặc những bộ trang phục hóa trang rất sáng tạo, không thể tưởng tượng được. Điều này sẽ giải phóng trí tuệ và sự tưởng tượng của con người”, GS Ngô Đức Thịnh nói.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang