Những nẻo đường mùa xuân

author 08:57 24/01/2020

(VietQ.vn) - Khi lớp sương mỏng la đà trên nhánh đào gầy guộc, phấp phới nụ hồng, khi cái rét chỉ còn tô điểm cho sự nồng nàn của đất trời, và khi những hạt mưa nhỏ li ti phơ phất bay, đậu hờ lên mái tóc, thoa nhẹ lên má, lắc thắc trên vạt áo… ấy là lúc mùa xuân về.

 
Xuân về chưa xuân nhỉ?

Chỉ còn mấy ngày nữa là nhà nhà, người người cùng ngồi lại, xum vầy bên mâm cơm đoàn viên cùng đón một năm mới. Ấy vậy mà, do trót chọn cái nghề hay xê dịch mà tôi vẫn phải lượn lờ trên những con đường mòn giữa núi rừng. Ừ thì đúng là vất vả thật nhưng đôi khi thấy chẳng có nghề nào giúp tôi khám phá những điều thú vị cũng như hiểu rõ thế sự như nghề này. Và trong những phút giây này đây, khi mọi người tất bật sắm sửa cho một cái tết đủ đầy thì tôi lại được thưởng ngoạn cả một bầu trời hương sắc mùa xuân của Tây Bắc.

Trên những cung đường uốn lượn theo nhịp điệu Tây Bắc, một mùa đông lạnh giá đang bị đẩy lùi bởi bởi “cô gái” căng tròn nhựa sống mang tên mùa Xuân. Lớp sương mù tan biến vào hư vô để lộ ra những nụ hoa rừng chúm chím, những vạt đồi gối nhau xa tít, những đám mây xô đuổi nhau để nhường nắng cho đồi, những dãy núi tím sẫm, cao vòi vọi, rồi giật mình nhìn xuống phía chân đồi xa là dòng suối nhỏ nhẫn nại, len lỏi trong đá, chảy róc rách. Lấp ló phía xa xa, giữa lưng chừng đồi, những cái dáng chăm chỉ của người Mông đang gieo những “giọt sống” rồi chờ đợi một mùa ấm no.

Mùa xuân Tây Bắc ngập tràn trong sắc màu của những phiên chợ Tết vùng cao. Rộn ràng, vui mắt, nhưng giản dị, thật thà như chính những con người nơi đây. Là màu vàng óng của những mớ măng rừng được bán la liệt, là màu vàng mơ mật ngọt của mật ong rừng. Là màu xanh ngắt của những thứ lá gói bánh chưng, lá chuối để gói giò Tết. Là mộc nhĩ đen, là nấm hương khô thơm nức. Là hạt gạo nếp nương trắng ngần, hạt rộng dài căng mẩy. Là những chú gà đồi vàng óng chắc nịch, là đàn lợn cắp nách ủn ỉn góc chợ xa. Là bộ váy hoa sặc sỡ sắc màu của những cô gái Mông, cô gái Lự. Là nụ cười đáng yêu của cô bé, cậu bé được mẹ cho đi chợ Tết mua quà. Là âm thanh réo rắt của sáo trúc, là tiếng khèn đắm say gọi bạn tình của chàng trai Mông…

Đến Tây Bắc vào độ xuân về, ta như lạc vào miền văn hóa lạ, hấp dẫn, mê hồn. Là những điệu xòe nồng say, rộn ràng dưới ánh lửa bập bùng, là những cần rượu thơm lừng mời gọi… trong bản làng người Thái. Là nụ cười giòn tan của bọn trẻ con trong bản người Mông đang mải mê chơi đánh cù trên bãi đất trống đầu bản. Nam nữ thanh niên thì bị hấp dẫn bởi trò chơi ném pao, đánh cầu lông gà. Họ không chỉ ném pao để giải trí mà còn gửi gắm trong đó tình cảm. Nếu cô gái ưng chàng trai nào, họ khéo léo ném giấu trong quả pao những ánh mắt trìu mến, nụ cười đắm say còn nếu chàng trai ưng cô gái nào, họ sẽ giữ quả pao để làm tin. Tình yêu bắt đầu từ đó…

Sao để tôi với nỗi nhớ chơi vơi

 
Chút men say lòng bên bếp lửa, những sợi khói bay lơ đễnh làm mắt tôi cay xòe, chẳng biết ánh lửa bập bùng ấy có ma thuật gì mà khơi gợi cả một miền thương nhớ trong tôi. Những sợi nhớ thương cứ len lỏi vào trong từng giác quan như thúc giục, nhắc nhở khiến cho kẻ lãng du cũng phải chạnh lòng. Ký ức khi mùa xuân trở về trong căn nhà nhỏ ngày ấy lại ùa về chiếm trọn trái tim tôi. Chợt nhớ, những tháng năm tuổi thơ. Cứ vào độ mưa xuân, lũ trẻ trong xóm lại réo nhau đi xí phần mấy cành mơ, cành mận ngoài sân chùa. Khi chọn được cành ưng ý, lấy miếng vải màu chị cho hay cái dây lạt dùng để gói bánh, thậm chí có đứa còn lấy cả cái giải rút quần buộc đánh dấu. 

Mấy cái cành cây lũ trẻ xí phần là những cành có nhiều mầm, nhiều nụ. Trên những cành mốc xì có lớp rêu xam xám, những cái mầm mầu nâu nâu. Phủ bên ngoài của mầm lá, còn có những sợi lông tơ trăng trắng, phía trên có những hạt mưa xuân. Kế bên cạnh mầm lá ấy là những nụ hoa, nhỏ li ti như chiếc cúc áo bấm. Thế rồi, sáng cũng như chiều, lũ trẻ trước lúc đưa trâu ra đồng hay khi dắt trâu về đều kiểm tra lại những dấu buộc. Chẳng may có ai, bị thay đổi dấu hay bị người khác nhận mất phần, đánh bệt xuống đất ngồi khóc… 

Năm tháng qua đi, lũ trẻ ngày ấy cũng mỗi người một phương hướng. Người ở lại làng dựa vào ruộng đồng. Đứa theo chuyến xe đường dài hướng thẳng về phương nam. Còn tôi, lên kinh ứng thí, mài đũng quần bốn năm, găm được ít chữ cố bám lại đất phố thị theo đuổi cái nghề “buôn chữ” cho thiên hạ. Là vậy, nhưng cứ tết đến là chúng tôi lại xuất hiện đủ đầy trước cổng chùa cùng đón giao thừa, rồi lại kéo nhau đến từng nhà để chúc tết. Đúng là, chỉ có tết mới đem lại cho chúng tôi một cơ hội để ôn lại những ký ức đẹp khi mùa xuân trở về… Phía sau vườn, mỗi độ xuân về, cây đào nhà hàng xóm lại ưu ái nghiêng hẳn về phía vườn nhà tôi, rồi chìa một cành lớn qua cái bờ rào mỏng manh khoe những nụ hồng phai nhỏ xinh. 

Cũng bởi vậy, ngày ấy nhà tôi chẳng bao giờ mua đào, quất… bởi có “của giời” ưu ái cho mùa xuân ngó sang tận nhà mình. Tôi vẫn thường ngắm hoa đào vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, khi những hạt sương li ti còn đậu trên mỗi cánh hoa lấp lánh sáng trong ánh sáng của mùa mới. Sau này, mỗi lần có dịp về quê ăn tết tôi vẫn theo thói quen cũ chạy ra vườn xem hoa đào đã nở hay chưa? Và lần nào tôi cũng nấn ná hàng tiếng đồng hồ để nhìn những mầm lá mới bật, những nụ hoa mới nhen. Lúc ấy, nghe thoảng trong gió, lặng trong mưa xuân như đâu đây có tiếng tách vỏ bật mầm. Tiếng tách vỏ rất nhẹ. Nhẹ lắm. Nhẹ như gió và thoảng như gió.

Tôi vẫn nhớ nguyên vẹn lời thì thầm của ông nội khi tôi đang cố gắng giúp hoa đào nở bằng cách dùng bùi nhùi rơm đang cháy đi xung quanh cây đào trong một buổi chiều giá lạnh. Thấy vậy, ông nội nở nụ cười thật tươi rồi ghé vào tai tôi nói: Nụ, mầm bật lên từ giá lạnh mới có sức sống mãnh liệt. Cũng như con người ấy. Khi khó khăn vất vả, khi nguy nan, đớn đau mà vượt lên được chính là sự khẳng định ý chí và nghị lực. Và khi đã vượt qua được sẽ không có điều gì trong đời còn lo lắng nữa. Ngày ấy, bé dại, tôi chẳng thể hiểu những lớp nghĩa sâu sa mà ông gửi gắm… sau này, khi bắt đầu những va vấp với cuộc đời, tôi mới dần hiểu và thấm nhuần câu nói của ông…

Ký ức Tết xưa…(VietQ.vn) - Tết xưa luôn lắng đọng trong lòng mỗi người những dư vị riêng. Với những người lớn tuổi, Tết xưa là kí ức thời nghèo khó, đôi khi chỉ là miếng thịt mỡ dưa hành và tiếng pháo đì đùng. Với những người xa quê, Tết là niềm mong mỏi trở về, trở về cố hương và trở về những tháng ngày yên ấm. Với đám trẻ con nhà quê, Tết là manh áo mới, là bao lì xì rực đỏ. Tết dù như nào đi chăng nữa cũng là một khoảng thời gian đẹp và đầy vơi kí ức trong lòng mỗi người.

VIỆT LINH

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang