Những sự kiện khoa học thế giới ấn tượng nhất năm 2019

author 06:31 01/01/2020

(VietQ.vn) - Bức ảnh về hố đen vũ trụ, lục địa thứ 8, công nghệ chỉnh sửa gen chữa ung thư....được bình chọn nằm trong top những sự kiện khoa học thế giới ấn tượng nhất năm 2019.

Công bố bức ảnh đầu tiên về hố đen trong vũ trụ

Ngày 10/4/2019 vừa qua, các nhà khoa học thuộc nhóm Event Horizon Telescop Collaboration đã công bố hình ảnh đầu tiên về hố đen trong vũ trụ.

Hố đen này nằm ở trung tâm dải thiên hà khổng lồ M87, cách Trái đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng gấp khoảng 6,6 tỷ lần khối lượng Mặt trời.

Hình ảnh hố đen được chụp từ 8 kính viễn vọng trên toàn cầu - từ các núi lửa ở Hawaii (Mỹ) tới sa mạc Atacama ở Chile, đến tận Nam Cực và châu Âu. Đây là một phát hiện đột phá, được cho có thể kiểm chứng thuyết tương đối của nhà bác học Albert Einstein.

Tàu thăm dò vũ trụ hạ cánh xuống mặt tối của Mặt trăng

Việc tàu vũ trụ thăm dò Hằng Nga 4 của Trung Quốc ngày 3/1/2019 hạ cánh xuống phần tối của Mặt trăng (là nửa Mặt trăng không bao giờ được nhìn thấy từ Trái đất) đã đánh dấu bước tiến lớn của Bắc Kinh trên con đường chinh phục vũ trụ và là sự kiện đi vào lịch sử vũ trụ thế giới khi lần đầu tiên một tàu thăm dò hạ cánh xuống phần tối của hành tinh này.

Các nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 gồm quan sát thiên văn, địa hình, địa mạo và thành phần khoáng chất của Mặt trăng và đo bức xạ neutron và các nguyên tử trung lập để nghiên cứu môi trường mặt tối của Mặt trăng.

Đội nữ phi hành gia đầu tiên đi bộ ngoài không gian

Hai nữ phi hành gia NASA Jessica Meir và Christina Koch thực hiện thành công chuyến đi bộ bên ngoài Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Chuyến đi bộ bắt đầu vào 6h38 ngày 18/10/2019 và kết thúc vào 1h55 ngày 19/10/2019 theo giờ Hà Nội, kéo dài tổng cộng 7 giờ 17 phút. Hoạt động của đội nữ phi hành gia diễn ra suôn sẻ và hoàn thành những nhiệm vụ thay thế thiết bị sạc bị hỏng sau chuyến đi bộ hôm 11/10.

Tìm thấy xương hóa thạch của loài vượn đi bằng hai chân Bayern, Đức

Đó là loài vượn bí ẩn có tên Danuvius guggenmosi có nhiều thuộc tính rất giống với con người, trong đó có khả năng đi lại bằng hai chân.

Hóa thạch của loài vượn sống cách đây khoảng 11,6 triệu năm này có thể làm thay đổi đáng kể sự hiểu biết của con người về quá trình tiến hóa của một đặc điểm cơ bản - đi thẳng đứng trên hai chân.

Loài Danuvius giúp nhận ra rằng đi bộ thẳng đứng bắt nguồn từ trên cây chứ không phải trên mặt đất và tổ tiên cuối cùng của loài người cũng như loài vượn không trải qua giai đoạn đi bộ gập người, như suy nghĩ từ trước đến nay. Ngoài ra, phát hiện này cũng khiến cho giả thiết về sự tiến hóa của loài người hoàn toàn diễn ra ở châu Phi, khó thể đứng vững.

Phôi thai loài lai người - khỉ được tạo ra ở Trung Quốc

Nhà khoa học Tây Ban Nha Juan Carlos Izpisúa và cộng sự lần đầu tiên tạo ra loài lai người - khỉ trong một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, mở ra triển vọng sử dụng động vật phục vụ cấy ghép nội tạng người. Nhóm nghiên cứu biến đổi gene phôi thai khỉ để vô hiệu hóa những gene cần thiết cho việc hình thành nội tạng.

Sau đó, họ đưa tế bào gốc của người vào phôi thai. Sản phẩm sau thí nghiệm là một con khỉ mang tế bào gốc người nhưng không được sinh ra bởi các nhà nghiên cứu đã đình chỉ quá trình phát triển phôi thai. Thí nghiệm diễn ra ở Trung Quốc do Tây Ban Nha chỉ cấp phép thực hiện nghiên cứu bệnh tật nguy hiểm.

Nhóm nghiên cứu của Izpisuá tạo ra cơ chế để tế bào người tự hủy nếu di cư vào não. Để tránh vấn đề đạo đức, cộng đồng khoa học giới hạn thai kỳ ở 14 ngày, khiến phôi thai không có đủ thời gian để phát triển hệ thần kinh trung ương của người. Tất cả phôi thai lai trong thí nghiệm đều bị phá hủy trước 14 ngày.

Phát hiện lục địa thứ 8 ẩn sâu 1.500 km dưới châu Âu

Những lục địa ngày nay trên Trái Đất có nguồn gốc từ siêu lục địa Pangea. Pangea tách ra thành hai phần nhỏ hơn là Laurasia ở phía bắc, sau trở thành châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và Gondwana ở phía nam, sau trở thành châu Phi, Nam Cực, Nam Mỹ và Australia. Các nhà nghiên cứu phát hiện lục địa thứ 8 tách ra từ Gondwana có tên Greater Adria, lớn tương đương Greenland.

Cách đây 100 - 120 triệu năm, chuyển động của các mảng kiến tạo đẩy Greater Adria chìm xuống lớp phủ Trái Đất với điểm sâu nhất nằm ở 1.500 km bên dưới Hy Lạp. Trước đó, lục địa này cũng đã ngập một nửa dưới nước.

Kết quả nghiên cứu giúp tái hiện lịch sử địa lý của thế giới, đồng thời giúp xác định và khai thác khoáng sản có giá trị. Tái tạo địa chất cũng giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về sự hình thành các mỏ khoáng sản và quặng kim loại hiện nay.

Công nghệ chỉnh sửa gene chữa ung thư

Hồi đầu tháng 11, nhóm nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania, Mỹ lần đầu tiên thử nghiệm công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR trong việc điều trị ung thư. Các nhà khoa học đã tiến hành lọc máu của bệnh nhân để lấy tế bào T, một loại tế bào bạch cầu có vai trò tiêu diệt tế bào bị bệnh trong cơ thể.

Nhóm nghiên cứu sau đó sử dụng kỹ thuật CRISPR để sửa đổi các tế bào T trong phòng thí nghiệm, bằng cách loại bỏ 3 gene gây cản trở quá trình nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư, đồng thời thêm vào một loại gene mới có khả năng hỗ trợ tế bào miễn dịch đẩy lùi bệnh. Các tế bào sau khi chỉnh sửa sẽ được trả lại cơ thể bệnh nhân, số lượng của chúng sẽ nhân lên và hoạt động như một loại thuốc sống.

Kết quả ban đầu cho thấy phương pháp điều trị ung thư bằng chỉnh sửa gene "an toàn" để sử dụng trên người. Các tế bào được chỉnh sửa đến nay vẫn sống sót và đã nhân lên đúng như kế hoạch. Bên cạnh đó, công nghệ CRISPR còn được mô tả là giúp hạn chế tối đa phản ứng phụ và có thể kiểm soát được.

Bảo Bình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang