Nông dân Củ Chi ‘méo mặt’ vì được tắm sữa bò hàng ngày

authorThảo Nguyên 15:30 08/06/2016

(VietQ.vn) - Hiện tượng nông dân Củ Chi dùng sữa bò để tắm không còn gây ngạc nhiên khi mà đầu ra quá nhiều bất cập như hiện nay.

Trước đó, chính quyền địa phương xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi đã tổ chức cho những hộ dân nuôi bò ký hợp đồng tham gia vào tổ hợp tác liên quan đến chăn nuôi, tiêu thụ sữa bò cho nông dân.

Mục tiêu của các tổ hợp tác này giúp các hộ dân chăn nuôi bò theo đúng quy định kỹ thuật, cho ra sản phẩm sữa đảm bảo chất lượng vệ sinh. Bà con còn được hỗ trợ nhau trong việc chọn lọc đàn bò, loại những con kém chất lượng ngay từ đầu, nâng cao năng suất sữa và hạ giá thành sản phẩm. Các tổ viên cũng cam kết tham gia học tập, dự các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, sản phẩm đảm bảo vệ sinh, không có kháng sinh, không tạp chất, không pha nước...

Giải pháp về tổ hợp tác này vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, xin ý kiến nhưng những hộ nuôi bò đã trong tình trạng không có nguồn tiêu thụ sữa.

Nông dân Củ Chi ‘méo mặt’ vì được tắm sữa bò hàng ngày

Nông dân Củ Chi ‘méo mặt’ vì bò sữa. Ảnh minh họa 

Mặc dù, sau chỉ đạo của Bí Thư Đinh La Thăng về việc tìm đầu ra cho sản phẩm sữa của bà con nông dân, chính quyền cũng đã có những động thái tích cực nhưng việc xoay chuyển tình thế dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Hiện tại, mỗi hộ dân ở đây nuổi từ 4-5 con bò thu gần 100 kg sữa mỗi ngày. Và nếu tính tổng lượng sữa tại địa phương này, sẽ có hàng tấn sữa được sản xuất trong một ngày. Trong khi đầu ra mịt mù thì chuyện mang đi tắm là điều hiển nhiên.

Sau khi Bí Thư Đinh La Thăng chỉ đạo rốt ráo, người dân Củ Chi cho biết, các đơn vị thu mua đã trực tiếp xuống kiểm tra, nắm bắt tình hình. Thế nhưng hơn 3 tháng đã trôi qua, đến nay vẫn chưa có thông báo nào về việc thu mua sữa của người dân.

Với quy mô chăn nuôi khá lớn, gia đình bà Út đang sống dở chết dở với 100 con bò – một đống tài sản khổng lồ nhưng không sinh lãi, chỉ sinh lỗ. Mỗi ngày, gia đình bà thu được khoảng 400kg sữa nhưng chỉ được thu mua 40kg. Số còn lại, gia đình bà bị ép giá và cũng không tiêu thụ hết. Sữa không bán được, nhiều hộ bán tống bán tháo cho các cơ sở làm sữa chua, nhưng cũng chỉ được 5-10 kg. Không còn cách nào khác, nông dân đành cho chính đàn bò uống lại, hoặc dùng thay nước uống cho lợn, gà. Và đương nhiên, người dân ở Củ Chi được tắm sữa bò thoải mái.

Trước thực tế trên, đã có nhiều hộ mạnh dạn bán bò để giảm chi phí chăn nuôi. Tuy đã bán gần hết số bò nhưng nhiều gia đình vẫn hàng ngày chịu lỗ cho những con bò còn lại khi chi phí chăn nuôi quá lớn.

Gia đình anh Thanh (ấp 10 xã Tân Thạnh Đông) đầu tư xây chuồng trại, mua bò cái hết 500 triệu, nhưng do không thể gánh lỗ thêm nên đã mạnh dạn bán bò và chỉ thu lại được hơn 200 triệu. Nếu trước đây một con bò sữa mua với giá 40 - 60 triệu thì khi bán chỉ còn hơn 10 triệu đồng.

Một hộ dân ở đây cũng chia sẻ, trước đây mỗi ngày trừ hết chi phí, gia đình thu lãi từ 70.000 -100.000 đồng từ bán sữa bò. Nhưng từ sau 2014, gia đình này cũng như hầu hết các gia đình khác không còn lãi và đến nay phải bù lỗ hàng ngày.

Có một thực tế, giá sữa ký kết thu mua ban đầu là 12.000 đồng/kg. Nhưng sau khi nguồn cung dồi dào, các hộ dân bị ép giá xuống thêm từ 1.000-2.000 đồng/kg. Thậm chí, sữa dư thừa bán chỉ bằng một nửa giá ký kết thu mua.  

Điều mong muốn của người dân Củ Chi là được công khai chất lượng cũng như giá sữa; biện pháp hỗ trợ phải thiết thực và nhanh chóng.

Nhà máy đạm Ninh Bình sống 'lay lắt', sẽ bị ‘sờ gáy’ ngay trong tháng 6(VietQ.vn) - Bị tồn đọng rất lớn trong hoạt động điều hành sản xuất, làm ảnh hưởng đến Tập đoàn Hóa chất, Nhà máy đạm Ninh Bình sẽ bị thanh tra gấp trong tháng 6.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang