Nông nghiệp sẽ dùng dịch vụ truy xuất nguồn gốc điện tử

author 07:32 09/08/2013

(VietQ.vn) - Thông qua chương trình Traceverified, Đại sứ quán Đan Mạch muốn cung cấp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp dịch vụ truy xuất nguồn gốc điện tử, nhằm thay đổi phương pháp truy xuất nguồn gốc bằng cách ghi chép thủ công như hiện nay của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, người tiêu dùng trên thế giới muốn biết thực phẩm được sản xuất ở đâu, đường đi như thế nào trước khi đến bàn ăn của họ. Do vậy, yêu cầu về thông tin chuỗi sản phẩm là nhu cầu thực tế, đặc biệt là tại các thị trường EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Hiện nay, khi công nghệ ngày càng phát triển thì có nhiều cách để cung cấp thông tin sản phẩm, trong đó có công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Sử dụng truy suất nguồn gốc điện tử để minh bạch hóa thị trường nông sản và tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sử dụng truy suất nguồn gốc điện tử để minh bạch hóa thị trường nông sản và tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Dũng cho hay, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thực hiện truy xuất nguồn gốc bằng ghi chép trên giấy, tự đặt mã số truy xuất cho mỗi lô hàng (mã số nội bộ), in mã số đó vào góc bao bì (thùng carton) theo thỏa thuận với người mua/nhà nhập khẩu. Khi người mua/ nhà nhập khẩu muốn có báo cáo xuất xứ thì gửi bản sao mã số của thùng hàng về cho nhà xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu quay lại tìm thông tin trong các giấy tờ cũ và lập báo cáo truy xuất nguồn gốc gửi sang cho nhà nhập khẩu. Ông Dũng cho rằng, cách làm này không minh bạch và nhiều rủi ro vì chỉ có doanh nghiệp đọc và hiểu được mã số truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, việc truy xuất nguồn gốc thủ công rất mất thời gian và có nhiều rủi ro như hỏa hoạn, mối mọt khi lưu trữ thông tin bằng giấy tờ. Ngoài ra, theo qui định, tùy theo loại sản phẩm, thông tin cần được lưu giữ từ 6 tháng đến 2 năm dẫn đến tình trạng kho lưu trữ phải rất lớn.

Ông Lý Hoàng Hải, Phó Giám đốc Dự án Traceverified cho biết, dự án này nhằm xây dựng, cung cấp cho các chuỗi liên kết thủy sản, nông nghiệp thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử, dịch vụ quản lý phòng thí nghiệm và nâng cấp dịch vụ đào tạo kỹ thuật viên. Đây là chương trình nằm trong hợp phần hỗ trợ phát triển của Chính phủ Đan Mạch trong số 216 tỉ đồng nâng cao năng lực cho khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn, để minh bạch hóa thị trường nông sản và tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ NN&PTNT sẽ có những quy định và chế tài bắt buộc các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nông nghiệp tham gia hình thức truy xuất nguồn gốc thương mại điện tử. Minh bạch thông tin thông qua việc sử dụng hình thức truy xuất nguồn gốc điện tử là một trong những cách hiệu quả để đưa hàng nông sản Việt Nam sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU và Nhật Bản….Thứ trưởng Tuấn khẳng định. 

Dự án hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc điện tử được thực hiện từ tháng 10/2012 và hoàn toàn miễn phí cho các doanh nghiệp đến hết năm 2014. Mục đích của dự án nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của các nhà xuất khẩu Việt Nam với truy xuất nguồn gốc điện tử; cải thiện khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với dịch vụ kiểm nghiệm tại chỗ; quảng bá và nâng cao nhận thức của các bên liên quan (Sở NN&PTNT, nhà máy chế biến, trại nuôi), phát triển thị trường cho hai dịch vụ mới.

T.H

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang