Officience: 'Lao động biết, lao động bàn và lao động làm'

author 23:27 27/06/2016

(VietQ.vn) - “Officience là một minh chứng cho việc các mô hình hợp tác mới để biến đổi cách vận hành nội tại của xã hội, hướng tới sự hạnh phúc và thấu cảm”.

d

“Thay vì giấu diếm, ở Officience, thông tin được minh bạch trên trang mạng xã hội riêng của công ty. Người lao động có quyền chia sẻ, nhận xét về công việc của mình, của bạn bè trong nhóm để từ đó ai cũng có trách nhiệm với phần việc được giao”, TS Hà Dương Đức, Tổng giám đốc Officience Việt Nam, chia sẻ với các doanh nhân của Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC) về câu chuyện “minh bạch” thông tin ở công ty mình.

Officience là doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, có trụ sở tại Sài Gòn do TS Hà Dương Đức (Việt kiều Pháp) làm tổng giám đốc.

Thông qua khái niệm “offsharing”, TS Đức muốn “Officience là một minh chứng cho việc các mô hình hợp tác mới để biến đổi cách vận hành nội tại của xã hội, hướng tới sự hạnh phúc và thấu cảm nhiều hơn”.

'Dân' bầu lãnh đạo trực tiếp

Thay vì quyết định từ ban giám đốc công ty, cách đây 2 năm, người lao động ở Officience tự bầu ra lãnh đạo trực tiếp của mình.

“Hãy để cho người lao động tự nhìn thấy những giá trị, từ năng lực quản lý cho đến đời sống thường ngày của những cá nhân xung quanh. Họ tự chịu về quyết định đó khi họ trực tiếp bỏ phiếu chọn ra trưởng nhóm".

"Năng lực lãnh đạo của một cá nhân chỉ xuất hiện khi người lao động quyết định đi theo cá nhân mà họ tin tưởng trong từng dự án. Chúng tôi khuyến khích những ai làm việc trong công ty cũng có thể là người lãnh đạo một nhóm hay một phòng chức năng nào đó”, ông Đức nói.

Theo TS Đức, việc để “dân” bầu lãnh đạo trực tiếp của mình là quyết định đúng đắn của công ty khi không muốn “dài tay” can thiệp về công việc và những chuyện nội bộ của nhóm.

“Chúng tôi chỉ cần biết họ có hoàn thành được nhiệm vụ với mức độ như thế nào. Lãnh đạo cao nhất của công ty phải biết tin tưởng sự lựa chọn nhân sự của người lao động”, ông Đức lý giải.

Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất và gia công phần mềm, theo lời ông Đức, muốn hạ giá thành, điều nhất thiết là công ty phải giảm mạnh bộ phận quản lý trung gian.

“Hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ, nhóm nhân lực quản lý cấp trung đã giảm vai trò trong hoạt động của các doanh nghiệp phần mềm nói riêng, lĩnh vực công nghệ cao nói chung”, ông Đức bình luận.

Cũng theo ông Đức, tại Officience, để hướng tới một viên quản lý tầm trung có “tầm cỡ”, không chỉ là người giám sát mà còn có vai trò hỗ trợ người lao động trực tiếp nâng cao năng suất lao động.

Nói về mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên, ông Đức cho biết thêm rằng ở mô hình của Officience, mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau là tình cảm của những người bạn thân tín.

Chẳng hạn, theo ông Ông Đức, để nâng lương của người lao động, ngoài việc tham khảo ý kiến của trưởng nhóm, có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia về lao động tiền lương để coi mức lương đó có hợp lý hay không. Làm như vậy, lãnh đạo mới hiểu được người lao động đang chờ đợi và kỳ vọng gì ở người lãnh đạo.

“Lãnh đạo không thể chống lại sức ép cộng đồng, kể cả những quyết định mang tính riêng tư”, ông Đức nói. "Lãnh đạo phải biết những tiếng nói khác biệt trong doanh nghiệp, phải biết tranh thủ những ý kiến từ những chuyên gia theo từng công việc trong công ty và là người có nhiệm vụ dẫn dắt người lao động tin tưởng vào mục tiêu chung.”

Không thể thiếu minh bạch thông tin

Theo ông Đức, mỗi doanh nghiệp cần có diễn đàn riêng để chia sẻ thông tin của công ty, của nhóm . Chẳng hạn như cách chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân trên các mạng xã hội hiện nay, điển hình là Facebook.

Ông Đức cho rằng hành động chia sẻ thông tin doanh nghiệp, cá nhân trên trang mạng xã hội của công ty sẽ giúp cho quy trình xử lý thông tin nhanh và tốt hơn.

“Khi đã sử dụng mạng xã hội, không nên quan tâm tới chuyện tốt xấu của mạng xã hội theo như cách nghĩ nhiều người mà phải chú trọng đây là công cụ giao tiếp thời hiện đại. Thông tin như chất lỏng. Minh bạch thông tin sẽ giúp thông tin chảy đều đến các thành viên trong công ty”, ông Đức nhấn mạnh.

Tâm, một trưởng nhóm của Officience cho biết thêm, cách đây 2 năm Officience chuyển đổi mô hình quản trị mới. Theo đó, thông tin của công ty được chia sẻ trên mạng xã hội Google +.

“Khi có công cụ xã hội, từ thông tin về dự án mới, khách hàng mới, thậm chí là việc tăng lương của cá nhân, kể cả những khó khăn của cá nhân đều được đăng trên Google +".

"Các thành viên trong nhóm đọc, sau đó chia sẻ với nhau. Nhờ những ý kiến cá nhân trên công cụ này mà hầu hết mọi người không còn cô độc mà trở nên gắn bó với nhau. Những giá trị đó có ảnh hưởng sâu sắc tới công việc và cuộc sống của mỗi thành viên trong nhóm, trong công ty”, Tâm nhận xét.

Hai năm qua, dù chưa phải là công ty phần mềm có doanh thu cao, nhưng Officience đã có mục tiêu chung rõ ràng để mọi thành viên trong công ty cùng thực hiện. Nếu có thành viên nào đi chệch hướng, các thành viên còn lại trong nhóm, trong công ty sẽ giúp thành viên đó trở lại với mục tiêu chung.

Theo ông Đức, mô hình quản trị mà Officience không giới hạn về số lượng lao động nhưng hiệu quả nhất là thực hiện ở từng nhóm có số lượng từ 20 - 25 người, không phân biệt ngành nghề…

4 giá trị riêng ở Officience

Thứ nhất: minh bạch thông tin để người lao động biết và chia sẻ.

Thứ hai: doanh nghiệp có mục tiêu rõ ràng.

Thứ ba: mối quan hệ giữa con người trong doanh nghiệp không chỉ là đồng đội trong công việc mà còn là những người bạn thân thiết.

Cuối cùng: Officience tôn trọng ý kiến nhiều chiều, từ cá nhân cho đến đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia. Officience đang hoàn thiện môi trường hạnh phúc cho người lao động (không đo đếm), từ vật chất, tài chính, kiến thức để công việc hiệu quả hơn.

Song Minh

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang