PGS. TS Nguyễn Quang Hưng: Cảm hứng nghiên cứu đến vào lúc nửa đêm

author 06:17 11/09/2015

(VietQ.vn) - Cảm hứng nghiên cứu của tôi thường tới vào lúc nửa đêm khi mọi người đã đi ngủ hết. Rất nhiều hôm tôi thức trắng đêm chỉ để hoàn thành cho xong công trình nghiên cứu. PGS. TS Nguyễn Quang Hưng – Trường Đại học Tân Tạo đã nói như vậy khi trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam.

Sự kiện: Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt nhà khoa học trẻ 2015

Theo PGS. TS Nguyễn Quang Hưng, mục đích cao nhất của nghiên cứu chính là thoả mãn niềm đam mê, sáng tạo của bộ não con người. Việc làm ra các sản phẩm hay công trình nghiên cứu chỉ là thành quả tất yếu của sự sáng tạo này. Đối với tôi cũng vậy, tôi đến với nghiên cứu về Vật lý, cụ thể là Vật lý hạt nhân, xuất phát từ sự đam mê muốn tìm hiểu cấu trúc của vật chất, của con người người, của sự sống từ kích thước nhỏ nhất như hạt nhân nguyên tử. Sự say mê này thể hiện ở những lúc gặp các bài toán khó chưa giải quyết được, tôi luôn luôn suy nghĩ tới nó tại mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc đi ngủ cũng nằm mơ thấy. Cảm hứng nghiên cứu của tôi thường tới vào lúc nửa đêm khi mọi người đã đi ngủ hết. Rất nhiều hôm tôi thức trắng đêm chỉ để hoàn thành cho xong công trình nghiên cứu.

Theo anh, công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học hiện nay có những thuận lợi, khó khăn nào? làm thế nào để bạn trẻ say mê, có cảm hứng nghiên cứu khoa học?

Sứ mệnh của một trường Đại học không chỉ là giảng dạy mà còn phải tập trung vào nghiên cứu. Chính nghiên cứu mới làm nên thương hiệu của một trường Đại học. Hiện nay một số trường Đại học, bao gồm cả trường công lập và tư thục, đã và đang bắt đầu chú trọng tới công tác nghiên cứu khoa học thông qua việc thu hút và tạo điều kiện cho đội ngũ các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ được đào tạo bài bản ở các nước phát triển. Tuy nhiên số lượng các trường như vậy hiện còn rất ít. Đồng thời chính sách đãi ngộ cho các nhà khoa học vẫn chưa được thoả đáng, chưa đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình họ nên số lượng các nhà khoa học thực sự vẫn còn rất hạn chế.

Để thu hút được các bạn trẻ say mê, có cảm hứng nghiên cứu khoa học, các trường Đại học cần đưa ra chính sách đãi ngộ hấp dẫn sao cho đảm bảo cuộc sống cho các nhà khoa học và gia đình họ. Ngoài ra, hệ thống quản lý khoa học của các trường Đại học cần được đổi mới liên tục, tránh trường hợp quan liêu gây khó khăn, sức ép cho các nhà khoa học trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu của mình.

PGS. TS Nguyễn Quang Hưng – nhà khoa học trẻ của Trường Đại học Tân Tạo

PGS. TS Nguyễn Quang Hưng – nhà khoa học trẻ của Trường Đại học Tân Tạo

Có ý kiến cho rằng, vì thu nhập không cao, nghiên cứu ứng dụng mất nhiều thời gian, lại khó khăn, vất vả đó là rào cản khiến các bạn trẻ không tới được với con đường nghiên cứu khoa học, anh có suy nhĩ vậy không?

Tôi không cho rằng nghiên cứu ứng dụng hay nghiên cứu lý thuyết khó hay dễ, mất nhiều hay ít thời gian. Nghiên cứu nào cũng có cái khó riêng của nó. Quan trọng là nếu chúng ta thực sự say mê với nó thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết. Ngoài ra, thu nhập từ nghiên cứu phụ thuộc vào trình độ của nhà nghiên cứu cũng như các kết quả nghiên cứu của họ chứ không phụ thuộc vào nghiên cứu ứng dụng hay lý thuyết. Nhiều khi chỉ cần một ý tưởng nghiên cứu nhỏ nhưng mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Do vậy, các bạn trẻ nếu đã chọn được hướng nghiên cứu mà mình thực sự say mê, dù ứng dụng hay lý thuyết, các bạn hãy theo đuổi nó đến cùng. Tôi tin chắc chắn rằng các bạn sẽ thành công.

Để tạo môi trường cho các nhà khoa học trẻ nỗ lực sáng tạo, cảm hứng say mê nghiên cứu khoa học, theo anh các cấp, các ngành cần hỗ trợ gì; khuyến nghị gì với cơ quan chức năng?

Để tạo môi trường cho các nhà khoa học trẻ nỗ lực sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học, trước tiên chính phủ và nhà nước cần xác định nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển của đất nước. Việc xác định các hướng nghiên cứu mũi nhọn hãy để cho hội đồng chuyên ngành hay liên ngành quyết định. Kết hợp với đó, các Bộ, Ban, Ngành cần đưa ra những chính sách ưu đãi đặc biệt cho đội ngũ các nhà khoa học trẻ xuất sắc, cụ thể như bậc lương riêng, chế độ ưu đãi về nhà ở và đi lại, thưởng cao cho những công trình khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín cao hay có ứng dụng thực tiễn lớn.

Đối với việc xét chọn các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, hay cấp sở không phân biệt trường công hay trường tư, không phân biệt học hàm, học vị cao hay thấp mà chỉ dựa vào ý nghĩa, tầm quan trọng và khả năng thực thi của đề tài khoa học. Song song với đó, các Bộ, Ban, Ngành luôn luôn phải kêu gọi, phối hợp với các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đặt hàng các nhà khoa học các vấn đề thực tiễn mà các công ty hay tập đoàn họ đang gặp phải.

Anh có lời khuyên như thế nào cho các bạn trẻ đã, đang và sắp đi theo con đường nghiên cứu khoa học?

Đối với các bạn trẻ sắp đi theo con đường nghiên cứu khoa học, các bạn phải xác định rằng làm nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ đam mê. Các bạn hãy tự khám phá bản thân xem mình có đam mê tìm tòi, khám phá những cái mới không. Tuy nhiên nếu chỉ có đam mê thì vẫn chưa đủ, các bạn phải làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, luôn luôn chịu khó học hỏi, trao đổi và chia sẻ kiến thức với cộng đồng các nhà khoa học khác. Ngoài ra, các bạn cần xác định ngay từ đầu rằng làm khoa học không thể mang lại cho bạn rất nhiều tiền bạc như làm kinh doanh buôn bán được. Thay vào đó bạn sẽ giàu về tri thức, về sự hiểu biết về các vấn đề của tự nhiên và của xã hội.

Đối với các bạn đã và đang đi theo con đường nghiên cứu khoa học, điều trước tiên các bạn hãy xác định vị thế của mình đang ở đâu trên lĩnh vực mà mình đã và đang nghiên cứu. Từ đó bạn sẽ biết được mình sẽ phải đi hướng nào để mang lại thành công cho chính mình. Ngay cả trường hợp bạn chọn sai hướng đi, bạn cũng đừng quá lo lắng. Bạn hãy quay lại vị trí lúc đầu và xác định lại cho mình hướng đi mới bởi mỗi lần vấp ngã là mỗi lần bạn sẽ học thêm được nhiều điều bổ ích. Quan trọng hơn, nếu bạn thấy hướng đi của mình là đúng thì hãy cứ đi theo nó đến cùng, đừng bao giờ bỏ cuộc cho dù có vấp phải sự phản đối của số đông nhiều người khác.

Xin cảm ơn!

PGS. TS Nguyễn Quang Hưng tốt nghiệp Đại học và Thạc Sĩ chuyên ngành Vật lý hạt nhân tại ĐHKHTN – ĐHQG Hà Nội. Sau đó tôi nhận được học bổng làm Tiến Sĩ theo chương trình hợp tác vùng Châu Á (Asian Program Associate) giữa Viện nghiên cứu Vật lý và Hoá học, RIKEN (Nhật Bản) với ĐHKHTN – ĐHQGHN và Viện Vật lý – Viện KHCN Việt Nam.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán năm 2009, PGS được Quỹ tưởng nhớ Nishina (Nishina Memorial Foundation) cấp học bổng nghiên cứu sau Tiến Sĩ (postdocs) cũng tại viện RIKEN.

Trở về nước cuối năm 2010 tôi công tác tại Trung tâm nghiên cứu hạt nhân, Viện Vật lý – Viện KHCNVN. Đầu năm 2011 chuyển sang công tác tại Khoa Kỹ Thuật, Đại học Tân Tạo (Long An) và làm việc tại đó tới thời điểm này.

Năm 2012 nhờ những kết quả xuất sắc trong nghiên cứu tôi giành được giải thưởng “Nghiên cứu trẻ” của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam.

Năm học 2013-2014, được Chủ Tịch UBND Tỉnh Long An tặng bằng khen nhờ đạt thành tích tốt trong công tác giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Tân Tạo.

Năm học 2014-2015 tôi tiếp tục được Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Tân Tạo trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú của trường.


Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang