PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà: 'Người Việt ta không hề kém cỏi'

author 20:41 09/03/2016

(VietQ.vn) - Là nhà khoa học nữ chuyên nghiên cứu những công nghệ tiên tiến có tính ứng dụng cao, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà khẳng định “người Việt ta không hề kém cỏi”.

Người Việt ta không hề kém cỏi

Là một nhà khoa học nữ, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà - nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nắm trong tay 7 sáng chế, 30 dự án các cấp, công bố 146 công trình khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Nhắc đến tên bà, không thể không kể đến những công trình nổi bật về làm sạch dầu ô nhiễm, xử lý thuốc nhuộm, biến đất ô nhiễm dioxin thành đất canh tác nông nghiệp… Với những thành quả trong nghiên cứu khoa học, ngày 6/3 vừa qua, bà vinh dự được Liên Hiệp Hội Phụ nữ Việt Nam trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2015.

kovaleskia

PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia 2015

Để nghiên cứu những công trình khoa học thiết thực, hữu ích cho quê hương và giảm sức lao động của con người, ai ai cũng nghĩ không hề là điều đơn giản. Tuy nhiên, chủ nhân của giải thưởng Kovalevskaia 2015 lại cho rằng “làm khoa học dễ hơn làm nghệ sĩ”.

Bởi với kinh nghiệm xuyên suốt cuộc đời làm nghiên cứu, nhà khoa học nữ này đã tìm ra một quy luật: “Ở đâu có độc ở đó có vi sinh vật phân hủy”. Và với quy luật đó, bà chưa hề tiêu cực và bất lực với công trình nghiên cứu diệt độc nào.

Không chỉ vậy, PGS còn cho rằng, làm khoa học với tài nguyên thiên nhiên phong phú như nước ta, đất mẹ cho chúng ta tất cả đã giúp cho việc nghiên cứu 'nhẹ nhàng' hơn, chỉ cần chúng ta hiểu nó, khai thác nó là sẽ làm được.

Từ suy nghĩ như vậy, PGS cùng các đồng nghiệp của mình tự tin tạo những 'tiếng vang' trong ngành nghiên cứu khoa học, sáng tạo những công nghệ đột phá có tính ứng dụng cao, thậm chí có những công trình sáng tạo công nghệ sinh học trên thế giới hiện nay chưa có công bố nào hiệu quả bằng. Chính vì niềm tự hào này, tại buổi "Lễ kỉ niệm 30 năm giải thưởng Kovalevskaia", PGS.TS Cẩm Hà khẳng định: “Người Việt ta không hề kém cỏi, chỉ cần chúng ta cùng ngồi lại với nhau thì “bài toán” nào cũng có đáp án”.

Phụ nữ làm khoa học vất vả gấp đôi gấp ba đàn ông?!

Để có được những công trình nghiên cứu phục vụ thiết thực cho cuộc sống của nhân dân và góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, các nhà khoa học đặc biệt là nhà khoa học nữ phải biết vượt qua những khó khăn, thiếu thốn vật chất và cả giới hạn của bản thân.

PGS Cẩm Hà chia sẻ, phụ nữ làm khoa học vô cùng vất vả bởi họ phải làm 2 nhiệm vụ quan trọng cùng 1 lúc, vừa say mê nghiên cứu vừa vẹn toàn thiên chức phụ nữ.  Vì vậy, đã xác định ‘dấn thân’ vào khoa học, điều tiên quyết giúp người phụ nữ thành công là sự ủng hộ và hậu thuẫn của gia đình. Đó vừa là nguồn động viên vừa là niềm khích lệ giúp họ an lòng mỗi khi đi công tác xa nhà hay ở lại phòng thí nghiệm quá muộn để hoàn thành nốt những thí nghiệm đã đặt ra.

dioxin

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến khảo sát thực địa vùng nhiễm dioxin

Con đường nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng dễ dàng, bằng phẳng mà nhiều thử thách, nguy hiểm “dình dập” xung quanh. Vì vậy, phụ nữ 'gắn' với nghiệp nghiên cứu khoa học cần có 1 tinh thần ‘thép’ để đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực và cả sự mệt mỏi khi phải làm việc ở môi trường ô nhiễm, độc hại. PGS.TS tâm sự: ‘Trong hoàn cảnh hiện nay, đất nước ta rất cần có đội ngũ các nhà khoa học trẻ yêu nghề, dám “hy sinh” cho nghiên cứu khoa học.

Mỗi công trình lớn nhỏ PGS tâm huyết được thành công, bà luôn tự hào và hạnh phúc đã đóng góp thêm cho đất nước một công nghệ tiên tiến giảm được gánh nặng cho người dân và qua đó, bà muốn gửi gắm đến thế hệ học trò rằng "cái đích của chúng ta đó, không phải chúng ta không làm được". Những sản phẩm đến bạn bè quốc tế cũng không thể tin sẽ thành công mà nay chúng ta đã nhìn thấy, chạm thấy.

Tâm Thanh


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang