Nâng cao chất lượng dược phẩm, đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước hướng tới mục tiêu xuất khẩu

author 16:40 20/05/2024

(VietQ.vn) - Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, dược phẩm sản xuất trong nước đảm bảo được 80% nhu cầu sử dụng, 70% giá trị thị trường.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Áp dụng công nghệ trong sản xuất, nâng cao chất lượng thuốc. Ảnh: tpa-fas

Trong những năm qua, ngành dược Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngành dược đã có những nỗ lực vượt bậc, với sản xuất trong nước hiện đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thuốc phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân.

Chất lượng thuốc ngày càng được nâng cao, hình thức đẹp không thua kém thuốc ngoại nhập, trong khi giá thành rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập cùng loại.

Tính đến nay, cả nước có hơn 62.000 cơ sở bán lẻ, hơn 5.000 cơ sở bán buôn thuốc, 238 nhà máy sản xuất thuốc tân dược đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP và tương đương…

Bộ Y tế luôn kỳ vọng và đánh giá cao những nỗ lực của ngành dược trong thời gian qua nhằm nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế trong việc sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam. Từ đó, góp phần tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước có chất lượng tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

Đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất, kinh doanh dược Việt Nam phát triển, tăng cả số lượng, chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu thuốc phòng bệnh, chữa bệnh trong nước, tiến tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bộ Y tế đã trình Thủ tướng ban hành quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Việt Nam hướng tới trở thành trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo y tế mới trong khu vực.

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển ngành dược nhanh trên thế giới. Tổng giá trị thị trường dược phẩm ước tính đạt 7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, giá thuốc của cả nhóm thuốc biệt dược gốc và thuốc generic đối với các thuốc sử dụng nhiều nhất của Việt Nam đều ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ngành dược Việt Nam đã cung ứng đủ thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, dược phẩm sản xuất trong nước đảm bảo được 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Ngành dược phấn đấu đến năm 2045 sẽ đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD, trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực.

Bộ Y tế đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp thực tế. Mục tiêu để người dân Việt Nam được tiếp cận thuốc nhanh nhất, đảm bảo thuốc trong công tác khám chữa bệnh và phòng bệnh.

Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư các lò phản ứng hạt nhân để sản xuất thuốc điều trị bệnh. Và sản phẩm thuốc phóng xạ I-131 do Viện nghiên cứu hạt nhân sản xuất là kết quả của quá trình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất thuốc điều trị các bệnh lý về tuyến giáp tại Việt Nam.

Thực tế, thuốc đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt thông qua minh chứng đã cung cấp cho nhiều bệnh viện trong cả nước để chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh lý về tuyến giáp, đặc biệt là bệnh ung thư tuyến giáp trong suốt 40 năm qua.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, thuốc phóng xạ I-131 là loại thuốc được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn GMP-WHO và có thể đáp ứng tương đương với các loại thuốc được sản xuất tại các nước tiên tiến, phát triển. Và điều quan trọng là Việt Nam đã làm chủ được công nghệ, cung cấp thuốc cho người dân với giá thành rẻ hơn thuốc nhập ngoại khá nhiều.

Ngành dược Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang