Phát hiện lượng lớn hàng điện tử nghi nhập lậu tại nhà dân ở An Giang

author 16:43 16/03/2021

(VietQ.vn) - Lượng lớn hàng điện tử đã qua sử dụng bao gồm 76 nồi cơm điện, 6 máy khử mùi, 5 máy rửa chén không có hóa đơn, chứng từ, nghi là hàng nhập lậu bị băt giữ.

Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (An Giang) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an P. Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc kiểm tra hành chính và phát hiện số lượng lớn hàng điện tử đã qua sử dụng không có hóa đơn, chứng từ, nghi là hàng nhập lậu tại một hộ dân ở P. Vĩnh Nguơn.

 Rất nhiều nồi cơm điện và thiết bị điện tử nghi nhập lậu được Công an phát hiện. Ảnh: Thanh Niên

Cụ thể, trước đó vào lúc 21 giờ 40 ngày 14.3, Đoàn kiểm tra gồm Công an P. Vĩnh Nguơn phối hợp với Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn tổ chức kiểm tra hành chính tại nhà ông Nguyễn Văn Phương (40 tuổi, thường trú tại tổ 4, khóm Vĩnh Chánh 1, P.Vĩnh Nguơn), phát hiện trong nhà ông Phương có 76 nồi cơm điện, 6 máy khử mùi, 5 máy rửa chén, tất cả đều đã qua sử dụng. Trị giá hàng hóa chưa xác định được.

Do ông Phương không xuất trình được hóa đơn, chứng từ của các loại hàng hóa nêu trên, nên Đoàn kiểm tra đã đưa toàn bộ số tang vật về trụ sở Công an P.Vĩnh Nguơn tạm giữ.

Hiện vụ việc phát hiện số hàng điện tử nghi nhập lậu nêu trên đang được các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.

Liên quan tới nồi cơm điện không rõ nguồn gốc, TS Trần Văn Thịnh, Trưởng Bộ môn Thiết bị điện - điện tử, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, cấu tạo của nồi cơm điện gồm ba phần: Vỏ nồi, nồi nấu và bộ phận đốt nóng, hay còn gọi là mâm nhiệt đi kèm với cảm biến nhiệt và nút điều khiển chọn chức năng. Vỏ nồi có 2 lớp, ở giữa có bông thủy tinh cách nhiệt. Nồi nấu làm bằng hợp kim nhôm, đặt khít trong vỏ, bên trong phủ lớp men chống dính. Phần đốt nóng gồm dây điện trở đúc trong ống chịu nhiệt, cách điện với ống và đặt trong mâm dưới đáy nồi.

Chuyên gia này cho rằng, những sự cố về điện đối với nồi cơm điện thường là rò điện gây giật điện. Bên cạnh đó, đối với những loại nồi cơm điện trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nguy cơ còn nằm ở chỗ lõi nồi, bộ phận đun nóng nhanh hỏng thậm chí gây chập cháy. Điều này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người dùng.

Cũng theo TS Trần Văn Thịnh, thực tế đồ điện chính hãng được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất chặt chẽ, sử dụng chất liệu an toàn, đặc biệt trước khi xuất xưởng đã được kiểm tra rất kỹ về kỹ thuật. Còn các sản phẩm trôi nổi, nhà sản xuất thường sử dụng các linh kiện, chất liệu kém chất lượng nên hay rò điện nhanh hư hỏng dẫn đến chập cháy.

Còn liên quan đến đồ điện tử nói chung, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc thiết bị điện, điện tử khi lưu thông phải có dấu hợp chuẩn đúng với quy định hiện hành.

Theo đó, tại QCVN 4:2009/BKHCN đã quy định “Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (điều 3.1)”. Do đó, các thiết bị điện, điện tử thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, khi lưu thông bắt buộc phải được gắn dấu hợp quy (CR).

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang