Phí quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai- Hòa Bình cao nhất lên tới 180.000 đồng/lượt

author 17:25 24/09/2015

(VietQ.vn) - Trong năm 2015, mức phí thu đối với các phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ này thấp nhất là 25.000 đồng/lượt, cao nhất là 180.000 đồng/lượt.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình vừa có đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phí tại trạm thu phí Km42+730 tuyến Quốc lộ 6 từ ngày 5/10 tới đây.

Phí QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình

Phí quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai- Hòa Bình cao nhất lên tới 180.000 đồng/lượt trong năm 2015

Theo đó, trong năm 2015, mức thu thấp nhất là 25.000 đồng/lượt/xe dươi 12 chỗ ngồi; cao nhất là 180.000 đồng/lượt đối với che trọng tải từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit.

Tuy nhiên, từ 1/1/2016, mức thu sẽ tăng lên. Thấp nhất là 35.000 đồng/lượt/xe, cao nhất là 200.000 đồng/lượt đối với các loại xe tương ứng như trên. ​Dự kiến, từ ngày mai (25/9), công ty sẽ tổ chức thu phí thử.

Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình cho biết, theo hợp đồng ký kết với Bộ GTVT, QL 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình hoàn thành và đưa vào sử dụng, khai thác vào ngày 31/7 và bắt đầu thu phí từ ngày 1/8/2015.

Tuy nhiên, từ trước ngày 30/4/2015, QL 6 đoạn Xuân Mai- Hòa Bình đã hoàn thành đưa vào khai thác. "Riêng hạng mục trạm thu phí đến giữa tháng 9/2015 mới hoàn thành được do địa phương mới bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư chậm. Hiện Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận đưa dự án QL 6 vào khai thác, sử dụng", ông nói.

Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình đề nghị chấp thuận cho nhà đầu tư được tổ chức thu phí tại trạm thu phí Km42+730 tuyến QL 6 chính thức từ ngày 5/10/2015 tới đây.

​Tuyến đường Quốc lộ 6 Xuân Mai-Hòa Bình từ Km38+00 đến Km70+932,47 có Chủ đầu tư dự án là liên doanh giữa Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội, Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc. Tuyến có tổng chiều dài 30,36km được thiết kế trên cơ sở cải tạo, nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng và miền núi; tuyến cơ bản bám theo đường cũ để tận dụng tối đa mặt đường và chi phí giải phóng mặt bằng.

Mục tiêu của dự án là nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hành lang nối các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội, nâng cao mức độ phục vụ của Quốc lộ 6, đồng thời tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long, giảm khoảng cách và thời gian đi lại từ Hà Nội đến Hòa Bình...

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang