Tranh cãi nảy lửa quanh đề xuất ‘quyền được chết’ tại Việt Nam

author 11:41 22/04/2015

(VietQ.vn) - Đề xuất về ‘quyền được chết’ ở Việt Nam, theo đó người bệnh không thể cứu chữa, phải chịu đau đớn giày vò có thể đề nghị bác sĩ giúp ra đi một cách nhẹ nhàng đã châm ngòi cho hàng loạt tranh cãi nảy lửa.

Trao đổi với báo Vietnamnet, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới cơ quan này sẽ đề xuất đưa quyền được chết (quyền an tử) vào dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi. Theo TS Nguyễn Huy Quang, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định quyền được chết, tuy nhiên ngành y tế có những đặc thù riêng.

Theo lời Vụ trưởng Nguyễn Huy Quang, ông đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp mắc bệnh nan y không thể cứu chữa, nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối phải sống đau đớn, vật vã từng ngày, từng giờ, có trường hợp phải sống thực vật... Họ mong muốn được chết nhưng lại không thể.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết Bộ Y Tế sẽ đề xuất quyền được chết tại Việt Nam trong thời gian tới

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết Bộ Y Tế sẽ đề xuất quyền được chết tại Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh Dân Trí

Vì vậy, nếu quyền được chết được đưa vào luật, người bệnh có quyền được đề nghị bác sĩ giúp đỡ để có một cái chết êm ái, nhẹ nhàng. Đây cũng là cách giải thoát cho người bệnh. Mỗi người đều có quyền tự quyết định sức khỏe, sinh mệnh của mình.

Bàn về đề xuất quyền được chết ở Việt Nam, một bác sĩ chuyên lĩnh vực hồi sức, cấp cứu chia sẻ với báo Dân Trí, bản thân ông từng chứng kiến không biết bao nước mắt của người bệnh, thân nhân người bệnh khi xin bác sĩ cho họ được chết. Có trường hợp người bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối, đau đớn vật vã nhưng vẫn còn tỉnh táo đã trực tiếp đề nghị ông làm điều đó, nhưng ông không thể.

Cuối cùng, dưới sức ép của gia đình của chính bệnh nhân, các bác sĩ không được phép điều trị duy trì cho bệnh nhân và phải ngừng điều trị, để bệnh diễn biến tự nhiên và người đàn ông này trước khi quyết định rút ống thở đã nói lời cảm ơn các bác sĩ, rồi ông và gia đình đã tự làm điều đó.

Nhiều bác sĩ tỏ ý đồng tình với đề xuất 'cái chết nhân đạo' để giải thoát cho những bệnh nhân phải chịu đau đớn giày vò mà không thể cứu chữa

Nhiều bác sĩ tỏ ý đồng tình với đề xuất 'cái chết nhân đạo' để giải thoát cho những bệnh nhân phải chịu đau đớn giày vò mà không thể cứu chữa. Ảnh minh họa

“Sinh mạng là trời ban cho mỗi người, chỉ trời mới được quyền lấy đi mình không được làm thay cho tạo hóa. Tuy nhiên, thực tế xã hội, thực tế trong ngành y có những tình huống như thế. Nếu quyền được chết được công nhận, đây là một lối thoát cho người bệnh và cũng là một lối thoát đạo đức cho chính người thầy thuốc, giúp họ biết làm thế nào cho đúng. Biết người bệnh đau đớn lắm, duy trì cũng chỉ sống thêm từng ngày nhưng không thể giúp họ kết thúc cuộc đời, đó cũng là một sự dằn vặt”, vị bác sĩ này cho biết.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, luật an tử đi ngược lại với lời thề Hippocrates, xâm phạm đến quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người là quyền được sống, ai giúp đỡ người khác chết có thể phạm tội "giết người" hoặc "xúi giục, giúp người khác tự sát".

Trong khi đó, không ít ý kiến phản đối vì cho rằng đề xuất quyền an tử vi phạm lời thề Hippocrates và dễ bị lạm dụng

Trong khi đó, không ít ý kiến phản đối vì cho rằng đề xuất quyền an tử vi phạm lời thề Hippocrates và dễ bị lạm dụng. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, có chuyên gia cho rằng các nhà làm luật cũng phải tính rất kỹ, chỉ có thể là nhân viên y tế làm nếu họ tình nguyện. Còn không nên bắt buộc, hoặc có thể đào tạo đội ngũ khác thực hiện điều này. Thêm vào đó, để áp dụng được quyền được chết ở Việt Nam cần phải có những bộ tiêu chí riêng, quy định rõ những trường hợp nào mới được áp dụng, tránh việc lạm dụng.

Được biết trên thế giới đã có Hà Lan, Bỉ, Thụy Sỹ và 4 bang của Mỹ công nhận quyền được chết. Thậm chí có quốc gia còn phát triển “du lịch lên thiên đường”, dù người bệnh mang bất cứ quốc tịch nào, đến quốc gia đó đề nghị được chết là sẽ được chấp thuận. Trên thực tế, đề xuất quyền được chết tại Việt Nam từng được đưa ra vào năm 2005 nhưng không được Quốc hội thông qua vì cho rằng chưa đến thời điểm thích hợp.

Minh Thùy (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang