Sản xuất thủy sản “sạch” cần quá trình sản xuất chuẩn

author 14:21 28/12/2012

(VietQ.vn) - Cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn bền vững một cách có hệ thống để tạo lòng tin cho người tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội cho sản phẩm thủy sản

Thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ngày càng khó tính hơn. Làm thế nào để có thể sản xuất ra những sản phẩm thủy sản “sạch” để có thể đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe này?

Ưa chuộng thủy sản “sạch”

Ông Ngô Tiến Chương – Điều phối viên Chương trình nuôi trồng thủy sản của WWF Việt Nam, nhận định hiện nay người tiêu dùng trên thế giới có xu hướng sử dụng các sản phẩm nuôi trồng được sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội hay thủy sản “sạch”. Họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm này và một phần lợi nhuận này được trích ra để tái đầu tư cho dịch vụ từ môi trường và xã hội.

Các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhưng cũng rất khó tính đối với sản phẩm thủy sản

Đơn giản như khi chúng ta bỏ tiền mua một sản phẩm, chúng ta luôn quan tâm đến sản phẩm đó được sản xuất từ đâu, như thế nào, có đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không? Tương tự, người tiêu dùng các sản phẩm thủy sản cũng thế, đặc biệt là người tiêu dùng tại các nước phát triển đều rất quan tâm đến vấn đề nguồn gốc của sản phẩm, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và sản phẩm đó liệu có được sản xuất một cách có trách nhiệm hay không?

Một cuộc khảo sát của TNS Infratest (thuộc Frosta) gần đây cho biết, người tiêu dùng Đức ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm họ mua. Khoảng 70% người tiêu dùng nước này khi được hỏi đều cho biết như vậy.

Tại thị trường Nhật Bản, kết quả khảo sát của Tổ chức môi trường Greenpeace cho thấy hầu hết người tiêu dùng Nhật đều muốn sử dụng thủy sản được khai thác bền vững, dán nhãn rõ ràng để giúp họ có đầy đủ thông tin về sản phẩm mà mình sẽ sử dụng, góp phần bảo vệ đại dương.

Là thị trường khá dễ tính và chưa có quy định khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tuy nhiên hiện nay người tiêu dùng tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ngày càng quan tâm tới sản phẩm thủy sản sinh thái bền vững.

Theo dự báo của FAO, cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế xã hội, mức tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới ngày càng tăng cao. Mức tiêu thụ bình quân trên đầu người sẽ có thể lên đến 19,1 kg/người/năm vào năm 2015 và 19 – 20 kg/người/năm vào năm 2030. Và như thế, chắc chắn người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đối với các sản phẩm thủy sản “sạch”.

Thủy sản Việt Nam cần nâng cao chất lượng

Thời gian qua, ngành sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có những thành công đáng kể. Theo đó, mục tiêu tổng quát của ngành thủy sản nước ta là tiếp tục phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, xây dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh, giữ vị trí trong nhóm 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới...

Chỉ tiêu cụ thể, đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trên 8%/năm,giá trị xuất khẩu năm 2015 đạt 7,5 tỷ USD. Đến năm 2020, thủy sản tiếp tục là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 7%, giá trị xuất khẩu dự kiến đạt 10,0 - 10,5 tỷ USD.

Cần đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản, đáp ứng yêu cầu thị trường

Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu đáng kể và có định hướng chiến lược rõ ràng, tuy nhiên sự phát triển của ngành thủy sản nước ta vẫn chưa thật sự toàn diện và bền vững, vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do chủ yếu vẫn gia tăng về lượng, hạn chế sự chuyển biến về chất.

“Chúng ta cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì phát triển ồ ạt mà thiếu kiểm soát hay thiếu quy hoạch tốt, nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm thay vì gia tăng số lượng. Áp dụng các tiêu chuẩn bền vững một cách có hệ thống để tạo lòng tin của người tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đồng thời, cũng cần có chiến lược thị trường tốt để đảm bảo tính cạnh tranh cao đối với các sản phẩm thủy sản “made in Vietnam”, ông Chương chia sẻ.

Cũng theo ông Chương, để sản xuất thủy sản “sạch” cần cả một quá trình sản xuất chuẩn, đáp ứng nhiều yêu cầu. Có thể nói, căn bản nhất vẫn dựa trên một số yếu tố như: Đầu vào sản xuất phải đáp ứng được các yêu cầu như con giống, thức ăn; sản xuất phải phù hợp với điều kiện môi trường để bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái quan trọng xung quanh, nhằm đảm bảo trách nhiệm với môi trường và xã hội; hệ thống xử lý nước xả thải phải đạt yêu cầu.

Theo Công Thương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang