Sáng nay Quốc hội khai mạc bàn vấn đề gì?

author 07:33 20/05/2013

(VietQ.vn) - 9h sáng nay (20-5), tại hội trường Bộ Quốc phòng, Quốc hội khóa XIII sẽ chính thức khai mạc kỳ họp thứ 5 (phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên toàn quốc).

Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội sẽ nghe Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Giàu - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - sẽ trình bày báo cáo thẩm tra các nội dung báo cáo của Chính phủ.
 
Trước tình trạng khó khăn của nền kinh tế với nhiều chỉ dấu cho thấy “suy thoái ngày càng rõ nét” (đánh giá của Ủy ban Kinh tế), nhiều cử tri, doanh nghiệp, người lao động trông đợi vào kỳ họp này Quốc hội sẽ đưa ra được những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại 1 phiên trả lời của thường vụ Quốc hội
 
Trong chương trình nghị sự, ngoài các phiên thảo luận ở tổ và ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, Quốc hội cũng dành thời gian thỏa đáng để xem xét đề nghị của Chính phủ về các giải pháp thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm sẽ trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại phiên khai mạc. Tổng hợp từ báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội cũng cho thấy cử tri rất lo lắng về tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phá sản, công nhân mất việc làm, trật tự xã hội phức tạp…  
 
Các ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế khi mà giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu, nhất là giá vật tư nông nghiệp còn cao gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
 
Nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí; nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi trong khi đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch giàu nghèo tiếp tục gia tăng, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.
 
Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được cử tri đánh giá đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là “ngăn chặn, đẩy lùi”. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít, một số vụ án xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.
 
Cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan chức năng của nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và xử lý kịp thời, nghiêm túc các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là vụ việc nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm. Quốc hội cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện và tuân theo pháp luật đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công…
 
Trong các kiến nghị, cử tri hoan nghênh việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu cùng với việc thành lập lại Ban Nội chính ở Trung ương và các tỉnh, thành phố. Người dân cả nước hy vọng trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
 
Liên quan tới tình hình khiếu nại, tố cáo mà đa số vụ việc liên quan tới lĩnh vực đất đai, cử tri kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật đất đai cần có những quy định cụ thể. Ví dụ mục đích thu hồi đất khác nhau thì cần có cơ chế thu hồi khác nhau để tránh tiêu cực, đồng thời phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất. Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cần dài hạn hơn hiện nay để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các cấp tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; đồng thời ưu tiên xây dựng thể chế về giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Luật tiếp công dân; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
P/V (tổng hợp từ TT,Vnexpress)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang