Sáng nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước dự cuộc họp của Chính phủ với 63 địa phương

author 09:09 28/12/2018

(VietQ.vn) - Hội nghị Chính phủ với 63 địa phương dang diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị nhằm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Hội nghị có Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đến dự.

Sáng nay (28/12), Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương đã diễn ra. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu chỉ đạo. Đây là lần thứ hai cuộc họp Chính phủ đón Tổng bí thư, Chủ tịch nước đến dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2018 đã có những khó khăn rất lớn không nằm trong kịch bản, nhưng Chính phủ đã vượt qua hành trình gian truân này. Điển hình như năm 2016 có đợt khô hạn lớn nhất thế kỷ, thì năm qua, ngành nông nghiệp đã lần đầu tiên đạt thành tích xuất khẩu trên 40 tỷ USD.

Nền kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng cao nhất từ 2007 đến nay, lần đầu vượt lên 7%. Xuất siêu kỷ lục năm 7,7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục năm ngoái. Tăng trưởng xuất khẩu của khu vực tư nhân trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI là 14%.

Sáng nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước dự cuộc họp của Chính phủ với 63 địa phương

 Năm 2018, nhiều chỉ số về kinh tế đều đạt mức kỉ lục. Ảnh minh họa.

Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chúng ta vẫn có 2 năm “vàng son” liên tiếp trong thành tích xuất siêu. Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện rõ nét, cải thiện năng suất, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14%, công nghiệp khai khoáng giảm 14%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh tinh thần của hội nghị hôm nay không chỉ là tổng kết năm 2018, không chỉ là đề ra nhiệm vụ cho năm tới, mà còn là để soi chiếu từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Thủ tướng cho rằng kết quả của 2018 phản ánh chính sách, hành động khi bắt đầu nghiệm kỳ đến nay và kế thừa thành quả từ trước đó. Kết quả chưa đạt năm qua được phản ánh vấn đề của cả quá trình.

“Những gì chưa đạt được cũng phản ánh hạn chế, yếu kém của cả quá trình, đòi hỏi chúng ta phải xem xét một cách khách quan, tổng thể, có hệ thống”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng cần tìm cách khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển. Khắc phục hạn chế, trì trệ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện. Thủ tướng cũng cho rằng, không thể đổ lỗi cho cơ chế chính sách vì mọi cơ chế chính sách đều do cán bộ công chức làm ra. Do hạn chế về tư duy, tầm nhìn, trong việc thực hiện và quản lý. Cũng cần khắc phục các chỉ số mà Việt Nam bị xếp hạng thấp như thủ tục phá sản, nộp thuế, thương mại qua biên giới, bảo vệ nhà đầu tư… Ngoài ra những rào cản làm khu vực kinh tế tư nhân không thể phát triển được, kinh tế hộ khó thành doanh nghiệp, doanh nghiệp khó ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Đào tạo lao động cho năm 2019 và giai đoạn tới trong kỷ nguyên số. Tháo gỡ vướng mắc đầu tư công cả trung ương và địa phương.

Thủ tướng cũng lưu ý công tác phòng chống thiên tai. Ngoài ra cần tiếp tục thực hiện đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Năm 2019, cả hệ thống phải chuyển động, cơ bản giải quyết tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Phương châm của Chính phủ năm tới gồm 12 chữ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”.

Theo Tổng cục Thống kê, dù tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, thị trường chứng khoán ổn định.

2019 được xem là năm "bứt phá" để tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, muốn bứt phá được, chuyên gia cho rằng Chính phủ cần xác định bằng cách nào và đối mặt những thách thức gì.

Chính phủ cũng đã xác định các nhóm giải pháp lớn cho năm 2019 gồm: Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Chính phủ cũng coi trọng phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang