Sắp tới sẽ “phân loại nghèo”

author 05:41 30/12/2014

(VietQ.vn) - Có 3 loại là cận nghèo đa chiều, nghèo đa chiều và nghèo đa chiều nghiêm trọng

Sáng ngày 29/12/2014, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Đại sứ quán Ai len (Irish Aid) tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều ở Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam đang xây dựng chuẩn nghèo dựa trên phương pháp xác định các nhu cầu chi tiêu tối thiểu. Tuy nhiên, tình trạng nghèo không chỉ đơn thuần là về thu nhập mà còn là sự thiếu hụt, không được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản, tùy thuộc vào mức độ phát triển của từng quốc gia. Do đó phương pháp này chỉ phù hợp trong giai đoạn đầu khi giải quyết tình trạng nghèo về lương thực thực phẩm, nhưng lại dẫn đến tình trạng bỏ sót đối tượng, nhận diện nghèo và phân loại đối tượng chưa chính xác.

Thứ trưởng cho biết, tại Quốc hội khóa 13, kỳ họp thứ 7 đã thông qua Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, trong đó nêu rõ: Xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm đời sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản. Do vậy, mục tiêu của việc xây dựng đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều là xác định chiều nghèo và phương pháp tiếp cận phù hợp với Việt Nam nhằm khắc phục những bất cập và hạn chế của chính sách hiện tại.

bán hàng rong

Hiện nay, có 11 chỉ tiêu nghèo đa chiều bao gồm: giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch...

Theo ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo , cách tiếp cận nghèo đa chiều là phương pháp mới nên thực hiện theo nguyên tắc chung là vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể ở Việt Nam; sử dụng song song chuẩn nghèo đa chiều và chuẩn nghèo thu nhập; đạt được 3 mục tiêu là đo lường và giám sát nghèo, định hướng chính sách, xác định hộ nghèo và xác định đối tượng hưởng thụ chính sách... Do đó, nội dung của cách tiếp cận đo lường nghèo đa chiều cần xác định được các chiều thiếu hụt, xác định các chỉ số đo lường và ngưỡng thiếu hụt trong từng chiều, xác định cách tính mức độ thiếu hụt và chuẩn nghèo đa chiều.

Hiện nay, có 11 chỉ tiêu nghèo đa chiều bao gồm: giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, hố xí, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin, bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam dự kiến được xác định như sau: Một hộ gia đình được coi là hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng nếu hộ gia đình thiếu từ ½ tổng số nhu cầu cơ bản trở lên; Một hộ được coi là hộ nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/3 - 1/2 tổng số nhu cầu sống cơ bản; Một hộ gia đình được coi là hộ cận nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/5 - 1/3 tổng số nhu cầu cơ bản.

Về việc xây dựng chuẩn nghèo thu nhập cần xác định được mức sống tối thiểu nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu nhất mà mỗi người cần phải có để sinh sống. Mức sống tối thiểu được xây dựng trên cơ sở các nhu cầu tối thiểu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và nhu cầu chi tiêu phi lương thực, thực phẩm. Đây là tiêu chí mang tính khách quan, không phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước, còn được gọi là chuẩn nghèo khách quan hay chuẩn phúc lợi xã hội đầy đủ.

Hàng năm trên cơ sở kết quả điều tra mức sống hộ gia đình, Tổng Cục thống kê công bố tỷ lệ nghèo thu nhập, tỷ lệ thiếu hụt các nhu cầu xã hội của cả nước và từng địa phương, phân tích mức độ thay đổi, làm cơ sở để định hướng các chính sách phát triển kinh tế cùng, lĩnh vực, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Việc điều tra xác định đối tượng được thực hiện vào đầu kỳ (năm 2015), giữa kỳ (năm 2018) và cuối kỳ (năm 2020), đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được ổn định thực hiện chính sách từ 2 - 3 năm để đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Dự kiến, trong năm 2015, Bộ LĐ-TBXH sẽ trình ban hành các tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều; Xây dựng, thử nghiệm, tập huấn cho địa phương công cụ, quy trình điều tra, xác định đối tượng; Các địa phương tổ chức điều tra, xác định các đối tượng theo tiêu chí nghèo đa chiều; Tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra, xác định phân loại các đối tượng theo tiêu chí nghèo đa chiều của cả nước và từng địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Song song với quá trình đó, xây dựng và chuyển giao phần mềm trực tuyến, quản lý đối tượng trong cả nước, nhập dữ liệu điều tra để theo dõi kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang