Sẽ chọn công nghệ an toàn nhất cho điện hạt nhân

author 08:09 17/12/2014

(VietQ.vn) - Theo GS.TS Trần Đại Phúc, chuyên gia tư vấn Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) tại Ninh Thuận, Việt Nam nên cân nhắc khi đưa ra một quyết định liên quan đến việc lựa chọn một công nghệ lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy sắp xây dựng.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam có thể thu được các kinh nghiệm của các cơ quan và tổ chức ở Mỹ như DOE, USNRC về mặt pháp quy. Nhưng Việt Nam vẫn phải cân nhắc khi quyết định lựa chọn công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân.

GS.TS Trần Đại Phúc cho biết, đã có hơn 4 thập niên, trên lãnh thổ nước Mỹ không xây một lò phản ứng hạt nhân nào. Do đó, đối với nhà thiết kế và các nhà sản xuất các trang thiết bị quan trọng (như máy bơm tuần hoàn sơ cấp, hàn thùng lò phản ứng,…) hoặc các nhà xây dựng, tình trạng thiếu nhân lực chuyên nghiệp xảy ra khiến công việc hay công trình bị đình trệ hoặc không đảm bảo chất lượng (như có thể thấy ở Trung Quốc (Sanmen) và Mỹ (Georgia và South Carolina)).

Về mặt kỹ thuật, lò phản ứng hạt nhân như AP1000 (Toshiba-Westinghouse) là một thiết kế mang tính “cách mạng” hoàn toàn dựa trên lý thuyết “an toàn thụ động”, dù thiết kế này hiện đang được xây dựng ở Trung Quốc (Haiyang và Sanmen) và ở Mỹ (Georgia và South Carolina). Tuy nhiên, AP1000 chưa được kiểm chứng về mặt kỹ thuật. Phần lớn các trang thiết bị hoặc các hệ thống được phân loại an toàn hay các tiêu chí kỹ thuật vận hành chưa có phản hồi kinh nghiệm nào.

Việt Nam sẽ chọn công nghệ an toàn nhất cho điện hạt nhân.

Do đó, việc đào tạo nhân lực đòi hỏi chiến lược dài hạn và có hệ thống. Từ những lý do trên, Việt Nam nên cân nhắc khi đưa ra một quyết định liên quan đến việc lựa chọn một công nghệ lò phản ứng cho nhà máy điện hạt nhân.

Giáo sư Phúc đành giá, đối với Hiệp định không tái chế không làm giàu hoặc tái chế uranium đã qua sử dụng (như đã đưa ra trong nội dung Hiệp định), Việt Nam phải xây dựng một cơ sở lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng (tạm thời hoặc dài hạn). Tuy nhiên, chi phí xây dựng một cơ sở như vậy có thể lên đến gần 1-2 tỷ đô la. Hơn nữa, việc quản lý cơ sở đó lại phức tạp hơn so với việc tái chế uranium đã qua sử dụng.

Hiện Việt Nam đã có hợp tác hạt nhân với nhiều nước có công nghệ tiên tiến. Tháng 10 năm 2010, một Hiệp định đã được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Bang Nga (LBN). Trong đó, Atomstroyexport được giao nhiệm vụ xây dựng NMĐHN Ninh Thuận I với công nghệ lò phản ứng hạt nhân dự kiến là VVER-1000 (AES-91) như ở Tianwan (Trung Quốc) thay vì AES-2006 (thiết kế tiên tiến Thế hệ III+) mà nhà thiết kế Rosatom thường xuyên đưa ra trong các hội thảo về công nghệ lò phản ứng hạt nhân.

Cũng trong tháng 10 năm 2010, một Hiệp định khác được ký giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cho Dự án NMĐHN Ninh Thuận II (Vĩnh Hải), dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm 2024- 2025.

Đến tháng 11 năm 2010, thêm một Hiệp định nữa được ký giữa Việt Nam với METI (Japan's Ministry of Economy, Trade and Industry) và giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với JAPC (Japan Atomic Power Co. (JAPC) và JNED (International Nuclear Energy Development of Japan Co. Ltd.).

Tháng 6 năm 2013, sau buổi gặp mặt giữa Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Hàn Quốc bà Park Guen-Hye, một Hiệp định hợp tác phát triển công nghệ hạt nhân (hỗ trợ kỹ thuật) đã được ký. Để thực hiện cam kết trong các hiệp định đó, Việt Nam phải có một chính sách dài hạn về mặt đào tạo nhân lực và phải tổ chức các cơ quan pháp quy, hỗ trợ kỹ thuật và vận hành theo mô hình quốc tế.

Khi được hỏi đánh giá của mình về công nghệ nào an toàn, Giáo sư Phúc bật mí, trong các cường quốc sử dụng công nghệ hạt nhân như Anh Quốc (xảy ra sự cố Windscale, 1957), Mỹ (xảy ra sự cố Three Mile Island, 1979), Liên Bang Nga (xảy ra sự cố Chernobyl, 1986) và Nhật Bản (xảy ra sự cố Fukushima 2011). Một cách khách quan, tôi có thể nói, nước Pháp có công nghệ an toàn nhất. Bởi vì, nước Pháp chỉ sử dụng một loại lò phản ứng hạt nhân (58 LPUHN-PWR (Pressurized Water Reactor)).

Đối với Việt Nam, Dự án Ninh Thuận có xu hướng trong tương lai là loại lò phản ứng hạt nhân-PWR - lò phản ứng nước áp lực , nhưng thiết kế sẽ khác nhau (VVER, PWR (Westinghouse hay MISUBISHI và AREVA,...), do đó đào tạo nhân lực (cơ quan an toàn, cơ quan vận hành,…) sẽ đòi hỏi thời gian dài hơn và phức tạp, tốn kém hơn. Bởi vậy, việc lui thời điểm khởi công sẽ cho Việt Nam đủ thời gian để đào tạo nhân lực một cách hệ thống.

Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu trên, Việt Nam phải đưa ra được chính sách thích hợp trong mỗi phương diện: tự đào tạo ở cấp đại học (giáo trình đầy đủ, phù hợp) và đến cấp chuyên viên hiện có (gửi đi thực tập ở các tổ chức tại các nước có nền công nghệ hạt nhân tiên tiến với thời gian dài). Và cũng không quên cảnh báo, Giáo sư Phúc cho biết trong những tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra, phần lớn nguyên nhân là xuất phát từ yếu tố con người.

Bích Nguyễn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang