Sở hữu trí tuệ, chắp cánh cho thương hiệu nông sản Việt

author 14:30 17/02/2018

(VietQ.vn) - Xu thế hội nhập, các yêu cầu về việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm càng cho thấy việc đăng ký bảo hộ, quản lý sở hữu trí tuệ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Vốn đa dạng về địa hình, đặc trưng về không gian địa lý nên trong quá trình phát triển Việt Nam đã hình thành được nhiều vùng sản xuất nông sản, thực phẩm và tiểu thủ công nghiệp. Con số 60 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 971 nhãn hiệu tập thể và 253 nhãn hiệu chứng nhận đã phần nào minh chứng cho điều đó.

Bộ truởng Chu Ngọc Anh thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm Hồng không hạt Quản Bạ đuợc Chỉ dẫn địa lý

Với chỉ dẫn địa lý (CDĐL), ngoài việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, sản phẩm mang CDĐL phải đáp ứng các quy định về chất lượng đặc thù, đặc trưng được tạo dựng từ điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu) và kỹ thuật sản xuất truyền thống của người dân. Bản thân trong mỗi sản phẩm tự nó cũng mạng một giá trị riêng mà người ta quen gọi là “đặc sản”.

Thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho thấy, cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hiện có khoảng 50% sản phẩm là trái cây, 20% là các sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp như: quế, hoa hồi, chè... Còn lại là các sản phẩm thủy sản, gạo và một số thực phẩm khác. Bên cạnh đó, Việt Nam còn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể để đăng ký cho các đặc sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm chưa đủ điều kiện để xây dựng chỉ dẫn địa lý.

Quá trình bảo hộ CDĐL đã có những tác động tích cực và rõ ràng đến nhận thức, sự quan tâm sâu sắc từ chính quyền các cấp và doanh nghiệp. CDĐL cũng tạo được lan tỏa, tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng và người tiêu dùng. Điểm đáng chú ý là sau khi sản phẩm được bảo hộ, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng. Điều này thể hiện ở chỗ mỗi một chỉ dẫn địa lý sau khi được nhà nước bảo hộ, về cơ bản, các địa phương sẽ tổ chức quản lý trên cơ sở các chính sách và quy định theo từng sản phẩm, đặc biệt là việc kiểm soát chất lượng và các quy định liên quan đến bao bì, nhãn mác, sử dụng. CDĐL đã tác động đến giá trị của sản phẩm, giá bán của các sản phẩm sau khi CDĐL được bảo hộ đều có xu hướng tăng, đặc biệt là một số sản phẩm như: Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang), cam Cao Phong (Hòa Bình), mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang)...

Thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho thấy, cơ cấu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam hiện có khoảng 50% sản phẩm là trái cây

 

Theo thống kê từ các hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm bảo hộ CDĐL cho thấy, giá bán sản phẩm tăng từ 20 - 100%, điển hình như: Cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi; Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75 - 80%; Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30 - 50%.

Riêng với sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), kể từ khi được bảo hộ, sản phẩm này cho thấy sự phát triển liên tục cả về quy mô và chất lượng. Từ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP quy mô 1.000 ha đến nay đã nhân rộng lên là 13.000 ha; chất lượng ngày càng được nâng cao và được thị trường chấp nhận, giá bán ngày càng tăng từ 5.000 - 10.000đ/kg năm 2005 - 2010 đến nay giá bán bình quân là 30.000 - 40.000đ/kg.

Thị trường tiêu thụ trước đây chủ yếu trong nước đến nay đã xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Australia, một số nước ASEAN... Điều đó càng khẳng định, chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn đang phát huy va sẽ phát huy được thế mạnh của mình.

Song song với việc bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực trong nước, chúng ta cũng đang nỗ lực tiến hành xây dựng hồ sơ đăng ký CDĐL sang các nước. Cụ thể, Cục SHTT cũng đã đề xuất bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại 28 nước châu Âu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Hiện Cục SHTT cũng đang lựa chọn 3 chỉ dẫn địa lý để hỗ trợ xây dựng hồ sơ đăng ký sang Nhật Bản theo kế hoạch hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Nông, Lâm và nghề cá Nhật Bản.

Hoạt động đăng ký SHTT ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là đối với sản phẩm nông sản, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp đã và đang diễn ra mạnh mẽ, ở hầu hết các địa phương. Rõ ràng, đây là một hoạt động rất quan trọng và cần thiết nhằm bảo vệ những giá trị của sản phẩm, phát huy những lợi thế về điều kiện sản xuất (tự nhiên, con người), nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm nhập khẩu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu, rộng, SHTT nói chung và việc đăng ký bảo hộ CDĐL nói riêng đã và đang đóng góp tích cực cho việc nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, và là công cụ quan trọng trong việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Để gia tăng hiệu quả khái thác giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp sau bảo hộ, chúng ta cần gây dựng được văn hóa sở hữu trí tuệ từ nhiều phía, cả cơ quan nhà nước, nhà sản xuất, người tiêu dùng, trong đó:
- Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý thị trường, phải ngăn chặn được việc lợi dụng danh tiếng, uy tín của các sản phẩm được bảo hộ để sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
- Các nhà sản xuất cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí chất lượng, nguồn gốc sản phẩm…;
- Tăng cường công tác truyền thông thương hiệu, đặc biệt là truyền thông qua internet (các diễn đàn, mạng xã hội, website…) để nâng cao nhận thức về thương hiệu đối với người tiêu dùng và tạo cơ hội cho tiếp xúc thương hiệu;
- Người tiêu dùng cần hiểu và nâng cao khả năng nhận diện các dấu hiệu CDĐL đối với sản phẩm.

Uyên Chi

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang