Số nhà xuất bản và ấn phẩm sách sai phạm tăng gấp đôi

author 05:30 22/01/2015

(VietQ.vn) - Tin tức mới nhất từ Cục Xuất bản cho biết, năm 2014 là một năm 'buồn' của ngành xuất bản, với số lượng ấn phẩm và nhà xuất bản sai phạm tăng gấp đôi so với năm trước.

Năm 2014, dư luận đã phản ánh và nêu tên được nhiều cuốn sách, nhiều nhà xuất bản vi phạm, có những ấn phẩm sai trái, thậm chí có những ấn phẩm mang tính bôi nhọ lịch sử, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội và hoạt động xuất bản sách. Có 43 nhà xuất bản và 306 xuất bản phẩm vi phạm, tăng gấp đôi so với năm 2013.

Cụ thể hơn, các lỗi vi phạm thường gặp là: Vi phạm văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; sai sót về kiến thức; sự kiện, nhân vật lịch sử; sử dụng hình ảnh minh họa không phù hợp với nội dung xuất bản phẩm, gây phản cảm; sách tham khảo học sinh có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng không được biên tập, chỉnh sửa cho phù hợp với việc giáo dục...

Hai cuốn sách của NXB Văn hóa Thông tin bị xử phạt trong năm 2014

Năm 2014, năm bội thu về sách bẩn, sách kém chất lượng. Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Cục Xuất bản, năm 2014 cả nước xuất bản 25.000 cuốn sách với 361 triệu bản; 859 loại văn hóa phẩm với 28 triệu bản; tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 2.465 tỷ đồng.

Mặc dù nhận định hoạt động xuất bản đang phát triển mạnh nhưng Cục Xuất bản cũng thẳng thắn nhìn nhận, năm 2014 cũng được xem là một năm đáng buồn của “làng sách” Việt Nam khi nhiều sách bẩn, sách rác được phát hành.

Theo nhận định của các chuyên gia, có hiện tượng các nhà xuất bản và đối tác liên kết. Nhà xuất bản chỉ biết bán giấy phép thu tiền rồi phó mặc cho đối tác liên kết thao túng sản phẩm mà không cần quan tâm đến công tác biên tập, quản lý quy trình xuất bản.

Ngoài ra, năng lực và trách nhiệm của từng cá nhân trong nhà xuất bản, điển hình là các cán bộ quản lý, biên tập viên - những con người trực tiếp làm nên các quyển sách trước khi cho ra đời và đến tay bạn đọc cũng cần phải xem xét lại kỹ càng. Tình trạng buông lỏng về mặt thực hiện quy trình xuất bản cũng như các thủ tục pháp lý chưa chặt chẽ, đã tạo điều kiện cho những quyển sách xấu được cấp phép xuất bản và phát hành ra xã hội quá dễ dàng.

Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam chỉ rõ: “Đó là tác hại về lâu dài, âm ỉ, ngấm dần, làm tha hóa con người, đặc biệt rất xấu với trẻ con, học sinh; làm giảm lòng tin của cộng đồng đối với ngành nghề xuất bản nước nhà, gây khó khăn kinh tế cho tác giả, nhà xuất bản làm ăn nghiêm túc, đồng thời tác động làm giảm uy tín của những nhà xuất bản chân chính”.

 

 

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang