STAMEQ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu

authorHồng Anh 08:29 09/03/2016

(VietQ.vn) - STAMEQ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật trong quá trình mở rộng thị trường xuất khẩu.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) tại hội thảo “An toàn trong thiết kế và bán hàng dệt may tại thị trường Hoa Kỳ” vừa được Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), STAMEQ và Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng STAMEQ cho rằng, hợp tác thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả thuận lợi và ngày càng tăng trưởng. Hoa Kỳ liên tục trong những năm qua là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam, trong đó hàng dệt may có tỷ trọng lớn. Với một thị trường lớn và khó tính như Hoa Kỳ, doanh nghiệp nước ta sẽ có rất nhiều tiềm năng thuận lợi để khai thác và đẩy mạnh xuất khẩu. Để đưa được hàng vào Hoa Kỳ thì nhà sản xuất Việt Nam cần thỏa mãn rất nhiều tiêu chí khắt khe.

ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) phát biểu khai mạc hội thảo “An toàn trong thiết kế và bán hàng dệt may tại thị trường Hoa Kỳ” Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc hội thảo “An toàn trong thiết kế và bán hàng dệt may tại thị trường Hoa Kỳ”. Ảnh N. G

"Hội thảo này nhằm giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nắm vững các quy định pháp lý trong việc thiết kế sản phẩm và bán hàng dệt may tại Hoa Kỳ thuận lợi hơn", ông Nguyễn Nam Hải nói.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý đo lường chất lượng, STAMEQ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt may trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA); sẵn sàng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp trong vấn đề tìm kiếm giải pháp vượt qua các rào cản về kỹ thuật trong thương mại, cụ thể là khi mở rộng xuất khẩu và các thị trường.

Tại Hội thảo, ông Trương Văn Cẩm - Tổng thư kí VITAS cho biết, trong những năm gần đây, ngành dệt may Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh chóng. Một loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết thành công, đã và đi vào giai đoạn thực thi mở ra rất nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp.

"Việc đảm bảo chất lượng hàng hóa trước khi xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật của thị trường xuất khẩu không chỉ là vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng mà còn là bài toán về kinh tế. Trường hợp hàng xuất khẩu không đạt yêu cầu về an toàn và chất lượng và bị gửi trả lại sẽ gây ra những thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp thậm chí còn làm suy giảm uy tín của doanh nghiệp trên thị trường

Các yêu cầu cho hàng may mặc bán tại thị trường Hoa Kỳ được nêu rõ trong: đạo luật an toàn sản phẩm tiêu dùng (CPSA), đạo luật vải dễ cháy và tiêu chuẩn ASTM F1816 về đặc điểm tiêu chuẩn cho dây rút trên áo khoác trẻ em. Tại Hoa Kỳ, một số tiểu bang có các luật và quy định nghiêm ngặt hơn các yêu cầu của Liên bang. Các luật này bao gồm các quy định đối với các sản phẩm, dán nhãn, đóng gói và hạn chế đối với hóa chất. Để tránh rắc rối trong việc nhập cảng với chính phủ Hoa Kỳ, nhà sản xuất nước ngoài phải tuân thủ đồng thời các quy định của CPSC và các tiêu chuẩn của khu vực tư nhân (các tiêu chuẩn tự nguyện được xây dựng trên sự đồng thuận) do cả hai đều dóng vai trò thiết yếu trong vấn đề an toàn sản phẩm.

Được biết, ngày 10/03, một Hội thảo tương tự cũng sẽ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang