Sức mạnh hủy diệt của tên lửa 'Ưng Sư' khiến đối phương toát mồ hôi

author 21:29 05/09/2017

(VietQ.vn) - Tên lửa BGM-109G Gryphon (Gryphon tạm dịch là "Ưng Sư", tên một mãnh thú mang đầu Chim Ưng và thân Sư Tử) đã từng khiến nhiều quốc gia phải kinh sợ.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Tên lửa có cánh BGM-109G Gryphon (Gryphon tạm dịch là "Ưng Sư", tên một mãnh thú giả tưởng mang đầu Chim Ưng và thân Sư Tư) được bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 1977. Cũng vào năm này, Mỹ đã đưa tên lửa vào thử nghiệm bay, phóng từ bệ phóng thử nghiệm với 2 cụm phóng được lắp đặt trên rơ-moóc ô tô.

Từ tháng 5/1982, tên lửa được thử nghiệm tại bãi thử ở bang Utah với việc sử dụng mô hình bệ phóng cơ động phổ biến tích hợp 4 container vận chuyển - phóng. Tên lửa BGM-109G bắt đầu được đưa vào trang bị chính thức năm 1983.

Thực tế, ngay sau khi Không quân Mỹ bắt đầu triển khai phi đội đầu tiên với 16 quả tên lửa tại căn cứ ở Greenham Common (Anh) thì đến ngày 31/12 năm đó tên lửa này được đưa vào trang bị trong thành phần của các lực lượng hạt nhân Mỹ và NATO. Đến năm 1987, tên lửa BGM-109G Gryphon được triển khai thêm ở Bỉ, Hà Lan, Đức và Sicily.

Xe vận chuyển phóng của tổ hợp tên lửa BGM-109G Gryphon

Về kết cấu, tên lửa BGM-109G được thiết kế từ các module chức năng độc lập; gồm hệ thống điều khiển hỗn hợp, đầu đạn hạt nhân, các khoang nhiên liệu, cánh (có thể gấp), động cơ tuabin cánh quạt hành trình F107-WR-400, đuôi và bộ gia tốc phóng nhiên liệu rắn.

Đạn tên lửa hành trình BGM-109 Gryphon dài 6,4m, đường kính thân 0,52m và trọng lượng khi phóng 1.470kg. Ngoài đầu đạn thông thường nặng 176kg với thuốc nổ mạnh, tên lửa còn mang được đầu đạn hạt nhân.

Tên lửa được lắp đầu đạn hạt nhân đơn khối W-84 vốn dựa trên bom hạt nhân B61, sử dụng hệ thống dẫn đường INS/TERCOM, được lắp trên hệ thống phóng TEL.

BGM-109 Gryphon sử dụng động cơ đẩy bằng nhiên liệu rắn MK 106, có tốc độ cận âm 880 km/h và phạm vi tác chiến 2.500km. Mỗi hệ thống phóng tự hành có 4 ống phóng mang theo 4 quả tên lửa BGM-109 Gryphon.

Năm 1991, sau khi đạt thỏa thuận cắt giảm vũ khí, các tên lửa BGM-109 Gryphon đã bị rút khỏi biên chế hoàn toàn trong quân đội Mỹ. Tuy nhiên, nếu trường hợp BGM-109G Gryphon được Mỹ tái triển khai tại châu Âu thì đây thực sự là một vũ khí với tầm bắn và uy lực khiến nhiều nước phải run sợ.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang