Tăng giá điện: EVN đã có lãi

author 11:13 31/03/2015

(VietQ.vn) - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc điều hành giá xăng, điện thời gian qua đã theo nguyên tắc thị trường. Cùng với đó, quyết định tăng giá 7,5%, ngành điện vẫn có lãi.

Phát biểu trên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tân Dũng đưa ra trong cuộc họp Ban Chỉ đạo liên bộ về phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô quý 1 năm 2015. 

Giá điện nên tăng thêm 9,5%

Trong cuộc họp,  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, việc điều chỉnh giá điện tăng 7,5% ngày 16/3 đã tác động đáng kể đến GDP cũng như chỉ số giá tiêu dùng CPI. Tuy nhiên, theo Thống đốc Bình, EVN nên điều chỉnh giá điện tăng thêm 9,5%.

“EVN nên mạnh dạn tăng 9,5% sau này sẽ không phải làm đi làm lại nhiều lần, vì nếu tăng 9,5% đi chăng nữa lạm phát thậm chí vẫn dưới 5% và GDP vẫn ở mức 6,2%” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.

Cùng đồng tình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu Tư Bùi Quang Vinh cũng cho rằng, việc tăng giá điện 7,5% đã đạt được yêu cầu cơ bản EVN bán điện trên giá thành, có lãi. 

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: “việc điều hành giá xăng, giá điện thời gian vừa qua đã theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, các bộ ngành cần theo dõi sát diễn biến để điều chỉnh chính sách kịp thời”. 

Tăng giá điện: EVN đã có lãi chút ít

Điện tăng thêm 9,5%, kinh tế vẫn ổn định. Ảnh: VTC

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc quyết định tăng giá điện 7,5% trong ngày 16/3 vừa qua, ngành điện vẫn có lãi mặc dù thấp. Vì vậy, ngành điện vẫn trích lập một phần trả nợ chênh lệch tỷ giá còn hơn 8.000 tỷ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết, khoản nợ tỷ giá sẽ được trích trả dần. Riêng khoản nợ 33.000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước không thể bù đắp. “Việc tăng giá 9,5% sẽ xử lý nhanh được, nhưng quyết định này sẽ ảnh hưởng đến những yếu tố khác”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định. 

60.000 doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động là bình thường 

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong quý 1 năm nay, cả nước đã có 19.049 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 111,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong 3 tháng đầu năm của cả nước là 2.565 doanh nghiệp, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 16.175 doanh nghiệp, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. 

Chia sẻ về con số này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bùi Quang Vinh cho biết, hiện nay,  Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Vì vậy, nếu 12% của con số này là 60.000 doanh nghiệp chết, ngừng hoạt động cũng là bình thường. 

“Tuy nhiên, trong quý 1/2015, số doanh nghiệp giải thể của chúng ta chỉ có 2.565 doanh nghiệp và 16.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chưa đến 20.000 doanh nghiệp, tức là chưa được 4%. Trong số đó, có đến 97% là doanh nghiệp nhỏ có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng và họ muốn tự giải thể để đổi mới", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ. 

Cũng theo ông Vinh, bên cạnh con số về những doanh nghiệp giải thể, vẫn có hơn 5.000 doanh nghiệp đăng ký mới và hơn 3.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng so với tháng trước đó. Đây là con số đáng khích lệ cho thấy tín hiệu tốt của nền kinh tế, tạo thêm cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.

Trà Phương

 


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang