Tập kết lượng lớn vỉ kẹo đồ chơi trẻ em nhập lậu chờ xuất bán mùa Trung thu

author 15:20 25/09/2020

(VietQ.vn) - Trong quá trình tuần tra, kiểm soát thị trường mùa Trung thu, lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai đã phát hiện và thu giữ 2.000 vỉ kẹo đồ chơi không rõ xuất xứ.

Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lào Cai, thực hiện sự chỉ đạo về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình kinh doanh mặt hàng đồ chơi mùa Tết Trung thu năm 2020, Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra phát hiện lô hàng gồm 50 thùng carton đang tập kết tại khu vực đường Trần Đại Nghĩa, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai.

Qua kiểm đếm hàng hóa gồm 2.000 vỉ kẹo đồ chơi do nước ngoài sản xuất, chủ hàng là bà Đào Thị Tính, sinh năm 1993, trú tại phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Tính không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa. Đội QLTT số 5 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Lượng lớn vỉ kẹo đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc bị phát hiện tại Lào Cai. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai

Trước đó, Đội QLTT số 5 cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Lào Cai kiểm tra phát hiện lô hàng gồm 07 thùng carton đang tập kết tại khu vực đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai.

Qua kiểm đếm hàng hóa gồm 300 đôi giầy nữ do nước ngoài sản xuất. Chủ lô hàng là ông Phạm Văn Tiềm, sinh năm 2002, trú tại phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Khai nhận ban đầu, ông Tiềm cho biết đã mua lại lô hàng từ dưới xuôi lên Lào Cai để bán kiếm lời, toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Ngay sau khi xác minh, Đội QLTT số 5 đã lập hồ sơ, xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phạm Văn Tiềm số tiền 04 triệu đồng và tịch thu hàng hóa trị giá 18 triệu đồng.

Cảnh giác các thành phần 'ẩn' sau sản phẩm giảm cân có thể gây hại sức khỏe(VietQ.vn) - Hiện nay để cải thiện vóc dáng nhiều chị em phụ nữ tìm đến các sản phẩm giảm cân. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu trong thành phần nhiều loại thuốc giảm cân tiềm ẩn chất gây hại sức khỏe cần tránh dùng.

Theo nhận định của Tổng Cục QLTT, hiện thị trường đồ chơi trẻ em đang có những diễn biến phức tạp, nhất là vào những tháng cuối năm, do vậy, trong Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu năm 2020, lực lượng QLTT các tỉnh cần tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp này.

Bên cạnh đó, các Đội QLTT các tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không có nguồn gốc xuất xứ để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Thiết nghĩ, lựa chọn những mặt hàng đồ chơi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn mác đầy đủ, bổ ích cho sự phát triển nhân cách của trẻ... của các bậc phụ huynh là những việc làm thiết thực để lành mạnh hóa thị trường sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Bởi thực tế có rất nhiều tác hại đối với những sản phẩm nhập lậu, nhất là đồ chơi trẻ em. 

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2019/BKHCN quy định 

Đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của quy chuẩn kỹ thuật này phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn kỹ thuật này, gắn dấu hợp quy (dấu CR) và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường.

Đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước phải thực hiện việc công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và các phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây viết tắt là Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN) và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN (sau đây viết tắt là Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN)

Đồ chơi trẻ em nhập khẩu phải thực hiện đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN (sau đây viết tắt là Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN)

Việc công bố hợp quy đồ chơi trẻ em phải dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận đã đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (sau đây viết tắt là Nghị định số 107/2016/NĐ-CP), Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (sau đây viết tắt là Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) hoặc được thừa nhận theo quy định của Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN ngày 31/10/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc ký kết và thực hiện các Hiệp định và thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp (sau đây viết tắt là Thông tư số 27/2007/TT-BKHCN).

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang