Thực phẩm biến đổi gen GMO - Hiểu thế nào cho đúng?

author 16:07 12/04/2018

(VietQ.vn) - Thực phẩm biến đổi gen GMO là khái niệm chỉ sinh vật được thay đổi về vật liệu di truyền (bộ gen/DNA) bằng công nghệ sinh học hiện đại.

GMO là gì?

GMO là viết tắt của Genetically Modified Organism, hay sinh vật biến đổi gen, là sinh vật được thay đổi về vật liệu di truyền (bộ gen/DNA) bằng công nghệ sinh học hiện đại, gọi là công nghệ gen, để tạo ra một đặc tính mới cho sinh vật (ví dụ như sức đề kháng của thực vật, côn trùng hoặc hạn hán, khả năng chịu thuốc diệt cỏ, hay tăng chất lượng thực phẩm hoặc giá trị dinh dưỡng, tăng sản lượng). Thực phẩm có chứa thành phần có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen, hoặc được tạo ra từ sinh vật biến đổi gen được gọi là thực phẩm biến đổi gen .

Mặc dù khái niệm về thực phẩm biến đổi gen nhờ công nghệ mới xuất hiện trong thế kỷ 20, trên thực tế, loài người đã can thiệp vào gen của cây trồng để cho ra tính trạng như mong muốn từ rất lâu bằng phương pháp chọn lọc nhân tạo, hay còn gọi là chọn giống. Đặc biệt, sự ra đời của công nghệ gen với thí nghiệm cắt dán gen kháng kháng sinh giữa hai loài vi khuẩn của Boyer và Cohen vào năm 1973 mở đầu một bước đột phá trong công nghệ sinh học.

Tới năm 1982, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lần đầu tiên phê duyệt dược phẩm đầu tiên được sản xuất bởi sinh vật biến đổi gen, Humulin, có thể dùng trong y học lên con người. Humulin được sản xuất bằng cách đưa gen người, Insulin vào vi khuẩn Escherichia coli. Vi khuẩn này có thể được nuôi và nhân lên số lượng lớn để có thể sản xuất đủ lượng hoocmon để lọc, đóng gói và kê toa cho bệnh nhân tiểu đường. Năm 1992, cây trồng biến đổi gen đầu tiên, giống cà chua FLAVR SAVR với độ chắc chắn và tuổi thọ cao, được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phê duyệt sản xuất ra thị trường.

Khái niệm về thực phẩm biến đổi gen nhờ công nghệ mới xuất hiện trong thế kỷ 20. Ảnh: GMO Answers

Kể từ đó, công nghệ gen được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp lẫn dược phẩm, tạo ra các chế phẩm và thực phẩm có ích và giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu. Một số ví dụ tiêu biểu như giống ngô kháng sâu hại lá, thực vật kháng thuốc diệt cỏ, đậu tương giàu axit béo, gạo vàng hay thuốc chống đông máu Atryn được sản xuất từ dê. Cây trồng biến đổi gen được bắt đầu trồng thương mại đại trà từ năm 1996.

Sự phát triển ‘thần tốc’ của GMO

Theo báo cáo thường niên của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), tính đến năm 2016, đã có 26 quốc gia trồng cây trồng biến đổi gen, trong đó có 19 quốc gia đang phát triển.

Báo cáo này cũng chỉ ra, tại những quốc gia đang trồng cây GMO, diện tích đang có xu hướng tăng lên sau mỗi năm. Cụ thể, tại châu Âu, bốn quốc gia là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Séc và Slovakia đã trồng hơn 136.000 héc ta bắp biến đổi gen trong năm 2016, tăng 17% so với năm 2015.

Ở châu Phi, Nam Phi và Sudan cũng liên tiếp mở rộng diện tích bắp, đậu nành biến đổi gen và đã đạt 2,66 triệu héc ta trong năm 2016, trong khi năm 2015 mới chỉ có 2,29 triệu héc ta. Tại châu Mỹ, Brasil có diện tích canh tác bắp, đậu nành, bông và hạt cải dầu GMO tăng 11%, là nước lớn thứ 2 sau Mỹ về diện tích trồng GMO. Các nhà khoa học dự báo, nhiều khả năng diện tích trồng cây GMO sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới khi một số nước đang có kế hoạch đưa mía GMO vào trồng, đáng chú ý là khu vực ASEAN (cụ thể là Indonesia).

Trước đó, theo cơ sở dữ liệu của OECD (The OECD Bio Track Product Database) đến tháng 7/2009 đã có 123 trường hợp cây biến đổi gen được phép trồng ở ít nhất 1 nước. Trong đó, gần một phần tư, 24%, liên quan đến ngô, 16% liên quan đến bông và một tỷ lệ tương tự là khoai tây. Khoảng 12% liên quan đến cải dầu và 11% liên quan đến cẩm chướng. Về đặc tính, 38% là chịu cỏ dại, 22% chịu cỏ dại và sâu bệnh, và 16% chống sâu bệnh.

GMO và những tranh cãi 

Theo nghiên cứu về tác động kinh tế-xã hội của cây trồng biến đổi gene trên toàn cầu giai đoạn 1996-2015 từ PG Economics (Anh), hãng nghiên cứu và tư vấn giải pháp cho dịch vụ nông nghiệp và các ngành công nghiệp dựa trên khai thác tài nguyên tự nhiên, cây trồng biến đổi gene mang lại lợi ích cho toàn bộ chuỗi sản xuất nông nghiệp, từ nhà cung cấp giống, nhà sản xuất công nghệ lẫn nông dân canh tác và người tiêu dùng.

Cụ thể, nhờ phát triển cây trồng biến đổi gene, lượng thuốc trừ sâu được sử dụng trên toàn cầu đã giảm đi 691 triệu kg, nhiều hơn tổng lượng thuốc trừ sâu mà Trung Quốc sử dụng trên cây trồng trong 1 năm. Từ đó giảm tác động lên môi trường 18,6%. Thu nhập của người nông dân cũng tăng 167,7 tỷ USD, tức mỗi hecta cây trồng biến đổi gene thì nông dân sẽ có thêm thu nhập 88 USD.

Một số nước trên thế giới đã nói không với GMO. Ảnh: Amaze.com 

Trồng cây biến đổi gene cũng không cần làm đất, đồng nghĩa giảm phát thải carbon trong đất, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và máy móc; Cây trồng biến đổi gene có thể chống chịu được sâu bệnh, cỏ dại tốt hơn nên năng suất cao hơn. Giá cả loại nông sản này vì vậy giảm xuống. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu cũng là cải thiện sức khỏe cho nông dân.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh những lợi ích cũng như tác hại của sinh vật biến đổi gen đối với môi trường và sức khỏe. 

Theo Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Khánh Hòa Bộ môn Dược lý (Đại học Alberta, Canada), cho đến nay, có 3 vấn đề chính mà thực phẩm biến đổi gen có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con người gồm khả năng gây dị ứng, kích hoạt các gen không mong muốn làm rối loạn quá trình chuyển hóa và khả năng sản sinh ra các chất độc.

Những tranh cãi về mặt lợi và hại của thực phẩm GMO vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: NHPR.org

 

 

Một số nghiên cứu cho thấy, các thực phẩm hay gây dị ứng ví dụ như đậu nành, nếu được biến đổi gen có khả năng gây dị ứng mạnh hơn. Ví dụ đậu nành chuyển gen của Brazil có nguy cơ gây dị ứng mạnh hơn so với đậu nành thông thường. Chính vì tác dụng phụ này mà công ty sản xuất ra loại đậu nành chuyển gen của Brazil đã không đưa sản phẩm ra thị trường.

Việc sử dụng các phân đoạn virus để mang gen truyền vào cây trồng cũng tạo nên nguy cơ tái tổ hợp các virus lành với virus gây bệnh tạo thành một loại virus mới. Đa số virus là lành tính, tuy nhiên một số có thể gây bệnh. Các virus này lại tồn tại trong cây trồng làm thực phẩm nên nguy cơ truyền bệnh cho người là tương đối lớn.

Theo nghiên cứu khoa học, phần lớn các cây trồng GMO được biến đổi các đặc tính để chúng có thể chịu được thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, như Roundup – một loại phân bón hóa học do công ty Monsanto sản xuất. Công ty này chiếm 80% thị trường ngô biến đổi gen và 93% thị trường đậu nành biến đổi gen. Thành phần chính của thuốc Roundup là glyphosate, được Tổ chức Y tế Thế giới phát hiện là một chất gây ung thư vào tháng 5 năm 2015.

 

 

 

Bảo Bình

Thực phẩm biến đổi gen GMO có hại hay không?(VietQ.vn) - Khoa học thế giới hiện đang không ngừng tranh luận về lợi ích cũng như tác hại của thực phẩm biến đổi gen GMO.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang