Tết Trung thu: Về ngoại thành Hà Nội gặp nghệ nhân làm đèn kéo quân

author 10:43 30/09/2017

(VietQ.vn) - Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) một trong những nghệ nhân làm đèn kéo quân nổi tiếng xứ Đoài xưa.

Thông tin trên báo Hà Nội mới, mỗi dịp Tết Trung thu, ông Nguyễn Văn Quyền, thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại tất bật làm đèn kéo quân với mong muốn trẻ con được chơi đồ chơi truyền thống. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Quyền vẫn miệt mài vót từng nan tre, dán từng mảnh giấy để tạo ra những chiếc đèn kéo quân phục vụ các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu.

Tết Trung thu: Về ngoại thành Hà Nội gặp nghệ nhân làm đèn kéo quân

 Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) một trong những nghệ nhân làm đèn kéo quân nổi tiếng xứ Đoài xưa - Ảnh Hà Nội mơi.

Để làm ra một chiếc đèn kéo quân phải trải qua các công đoạn như: Vót tre, dựng khung, làm trục… Trong các bộ phận để tạo thành một chiếc đèn kéo quân hoàn chỉnh, khó nhất là làm trục và tán - những chiếc trục phải vừa mỏng, nhẹ nhưng không mất đi sự cứng cáp mới có thể gánh được tán.

Khi hoàn thành xong phần khung của tán, ông Quyền dùng keo để cố định giấy xung quanh. “Công đoạn này tưởng đơn giản nhưng lại rất công phu, người thợ phải khéo tay mới có thể làm được, nếu dán không chuẩn thì trục sẽ không quay được” ông Quyền cho hay.

Sau mỗi buổi học, các cháu nhỏ trong gia đình lại về phụ giúp ông cắt quân. Em Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ: “Gia đình làm nghề truyền thống nên em được tiếp xúc với đèn kéo quân, đèn ông sao từ nhỏ. Đến nay, em đã thành thạo các công đoạn như: Ráp đèn, cắt quân…”.

Cầm trên tay chiếc trục hoàn chỉnh, ông Quyền tâm sự: “Bây giờ, đồ chơi nhựa, điện tử tràn lan trên thị trường nên những đứa trẻ không còn mặn mà với đồ chơi dân gian. Tôi tuổi đã già, giờ cố gắng làm được chút nào hay chút ấy, để bọn trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống”.

Đèn kéo quân được làm cho trẻ chơi nhằm mục đích giáo dục các em lòng yêu nước, tăng hiểu biết về lịch sử. Chính vì vậy, những hình ảnh dán trong đèn thường là các đoàn quân hay những con vật như: Con trâu, con gà, con chim…

Một chiếc đèn kéo quân có giá từ 100 đến 120 nghìn đồng, tùy thuộc vào kích cỡ. Mỗi dịp Tết Trung thu, gia đình ông Quyền bán được khoảng 1.000 chiếc.

Những hình thù bằng giấy, sau khi đèn được thắp sáng, sẽ quay vòng tròn và in bóng trên thân đèn.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, từ ngày 30/9 đến 4/10, tại các điểm di tích trong khu phố cổ Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa Tết Trung Thu truyền thống 2017.

Cụ thể, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) trưng bày giới thiệu về các đồ chơi Trung Thu truyền thống như: Con giống bột, các loại đèn Trung Thu, trống Đọi Tam. Ban quản lý phố cổ Hà Nội cùng với nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân làng nghề Xuân La (huyện Phú Xuyên) giới thiệu cách làm các con giống bột (tò he).

Tại các điểm di tích như đình Đồng Lạc ( 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào), đền Quan Đế (28 Hàng Buồm), đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc), các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông đánh gậy, làm tàu thủy.

Còn tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, Ban tổ chức trưng bày ảnh giới thiệu tết Trung Thu của Hà Nội đầu thế kỷ XX của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; sắp đặt không gian Tết Trung Thu truyền thống của một gia đình người Hà Nội xưa.

Cũng trong dịp này sẽ có các chương trình biểu diễn ca nhạc phục vụ thiếu nhi tại một số điểm trong tuyến phố đi bộ mở rộng của CLB MoonMin trước cửa Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội; biểu diễn ca nhạc của CLB 8 Bớp tại 61 Lương Ngọc Quyến; biểu diễn ca nhạc của Ban nhạc Đam Mê tại trước cửa Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây.

Thùy Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang