'Không khí Việt Nam sạch hơn nếu phát triển tốt giao thông'

author 06:12 08/06/2017

(VietQ.vn) -PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng: “Để giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng cần thúc đẩy sự phát triển, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiều hơn nữa các phương tiện giao thông công cộng của người dân”.

Không khí ô nhiễm nặng nề, thách thức trong quản lý chất lượng

Theo những số liệu được thống kê từ trạm quan trắc đặt trên nóc toà nhà Đại sứ quán Mỹ tại số 7 phố Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội), trong năm 2016, tại Hà Nội chỉ số AQI (Chỉ số chất lượng không khí) trung bình là 121 điểm.

Năm 2016 có tới 123/365 ngày nồng độ bụi trong không khí cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn quốc gia và 282/365 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong quý 1 năm 2017, con số này lần lượt là 37 và 78 ngày.

Tại TP.HCM, mặc dù ô nhiễm không khí không nghiêm trọng như Hà Nội nhưng so với cùng kỳ năm 2016, chất lượng không khí có xu hướng kém đi. Trong 3 tháng đầu năm, chỉ số AQI ở TP.HCM là 101 điểm, 78 ngày vượt quá quy chuẩn WHO.

Ở Việt Nam, chỉ số PM10/ngày là 150 μg/m3, cao gấp 3 lần so với chuẩn châu Âu và chuẩn WHO (50 μg/m3). (PM là viết tắt của chất dạng hạt, còn được gọi là ô nhiễm dạng hạt - thuật ngữ để chỉ một hỗn hợp các hạt rắn và giọt chất lỏng được tìm thấy trong không khí).

Chỉ số AQI trung bình của Hà Nội trong quý I năm 2017 và năm 2016. 

Theo một khảo sát của Trung tâm sáng tạo xanh (GreenID) thực hiện trên 1.400 người dân Việt Nam trong năm 2016 thì có tới 70% số người đang hoặc từng gặp phải các vấn đề liên quan đến đường hô hấp.

Trước đó, WHO cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo Việt Nam là quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương. Việt Nam có tới hơn nửa tổng số ngày trong năm có chất lượng không khí kém, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm cao trên thế giới.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng đã đề xuất cần phải tăng cường quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc cải thiện môi trường không khí ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hoạt động quản lý chất lượng không khí ở việt Nam hiện còn gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành Trung tâm sáng tạo xanh (GreenID), khó khăn đầu tiên là tại Việt Nam hiện chưa có Luật không khí Sạch. Trong khi đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 dù đã có nhưng tính thực thi chưa cao và chưa và đầy đủ.

Đồng thời, quy chuẩn về nồng độ phát thải tại Việt Nam thấp hơn so với quốc tế hay cơ chế kiểm soát nguồn ô nhiễm không khí xuyên quốc gia còn lỏng lẻo cũng là một khó khăn để kiểm soát nguồn phát thải.

Ngoài ra, theo bà Khanh, khó khăn cũng nằm ở chỗ thiếu sự đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, bộ ngành liên quan trong vấn đề kiểm soát ô nhiễm không khí, nâng cao chất lượng không khí tại Việt Nam cũng như sự thiếu thốn, xuống cấp của hệ thống quan trắc.

“Hiện tại, hệ thống quan trắc tại Việt Nam đang ở tình trạng hoạt động kém hiệu quả. Nhiều trạm quan trắc chỉ có thiết bị cũ kỹ được mua từ lâu nên việc thu thập, thống kê gặp nhiều thiếu sót thậm chí thiếu chính xác”, bà Khanh chia sẻ.

Liên quan tới vấn đề này, PSG.TS Nghiêm Trung Dũng, Viện trưởng Viện trưởng viện Công nghệ Môi trường, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã chỉ ra thực trạng đáng buồn tại Việt Nam khi nhiều trạm quan trắc được xây dựng hoạt động không hiệu quả, thậm chí có trạm quan trắc còn ở trong tình trạng gần như bỏ không.

Một số trạm quan trắc hoạt động kém hiệu quả thậm chí giống như bỏ không. (Ảnh minh họa) 

Hiện tại, theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, chỉ có duy nhất trạm quan trắc của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Việt Nam là hoạt động hiệu quả nhất, còn hầu hết các trạm quan trắc khác hoạt động kém hiệu quả, thường xuyên “đói” số liệu.

Tuy nhiên, trong nhiều năm gần đây, trạm quan trắc thuộc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Việt Nam cũng đang có dấu hiệu xuống cấp do thiết bị cũ dần theo thời gian. Vì vậy, để đảm bảo cho việc quan trắc có hiệu quả thì cần phải đầu tư thêm thiết bị đồng thời có cách thức quản lý, vận hành các hệ thống quan trắc một cách có hiệu quả.

Chia sẻ thêm về thách thức của Việt Nam trong vấn đề quản lý chất lượng không khí, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng điểm khó khăn hiện tại của nước ta còn nằm ở vấn đề thiếu nguồn lực làm công tác quản lý chất lượng không khí; việc kiểm soát phương tiện cá nhân còn chậm; hạ tầng giao thông chưa thực sự tốt, mật độ dân số ở các thành phố lớn quá cao…

Giải pháp nào hạn chế ô nhiễm không khí tại Việt Nam?

Sau khi nêu ra những thách thức, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm cải thiện vấn đề ô nhiễm không khí, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam.

Trong đó, Giám đốc điều hành Trung tâm sáng tạo xanh nhấn mạnh đến việc cần phải cải thiện chất lượng không khí trong nhà; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đốt rác thải theo Nghị định số 167/2013//NĐ/CP; cải thiện quy hoạch đô thị; công khai thông tin và tác động thay đổi hành vi của công dân. Còn với PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, vị này nêu ra một số giải pháp trong việc hướng tới giảm phát thải, quản lý giao thông.

Cụ thể, đối với giải pháp giảm phát thải, ông Nghiêm Trung Dũng cho rằng cần tiến hành chú trọng việc cải tiến động cơ, chuyển sang sử dụng một số loại động cơ sạch hơn. Cùng với đó là chuyển đổi sang dùng nhiên liệu CNG (khí thiên nhiên nén), etanol, fuel cell thay thế bớt xăng để giảm ô nhiễm không khí….

Với vấn đề quản lý giao thông, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng: “Cần phải tiến hành quy hoạch đô thị một cách hợp lý trong đó chú ý việc quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, để giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng cần thúc đẩy sự phát triển, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiều hơn nữa các phương tiện giao thông công cộng của người dân”.

Theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, để làm được điều này cần sự quyết tâm lớn của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thêm vào đó, mọi giải pháp chỉ có hiệu quả khi nó được xem xét trong mối tương quan hợp lý giữa thị trường, Luật và các quy định.

Cần đẩy mạnh quy hoạch đô thị, quản lý giao thông nhằm hạn chế ô nhiễm không khí.

Đặc biệt, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng còn nói tới một giải pháp cực kỳ quan trọng nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm, góp phần nâng cao chất lượng không khí tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Đó chính là việc thắt chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng môi trường không khí.

Đánh giá về hệ thống các quy chuẩn mà Việt Nam đang áp dụng, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho rằng các quy chuẩn này đã đạt được những thành công nhất định trong việc quản lý chất lượng không khí ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện trưởng viện Công nghệ Môi trường, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, các quy chuẩn này hiện tại vẫn có nhiều điểm đang áp dụng theo các quy chuẩn của nước ngoài nên chưa thực sự bám sát với thực tế ở Việt Nam.

“Hệ thống các quy chuẩn trong quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam đã mang lại những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, do nhiều nội dung còn áp dụng theo các quy chuẩn nước ngoài nên còn nhiều điểm chưa thực sự sát thực tế”, ông Nghiêm Trung Dũng cho hay.

Đề cập tới các giải pháp mang tính khoa học thực tiễn để nhằm cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam, TS.Nguyễn Trịnh Hoàng Anh, giảng viên khoa Năng lượng, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đưa ra một số công trình nghiên cứu mang tính đột phá trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Trong đó, đặc biệt nhất là sáng kiến thay thế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm bằng cách khí hóa rơm rạ để phát điện, nhiệt, phát triển trạm sạc cho xe đạp điện từ năng lượng mặt trời và ứng dụng vệ tinh trong việc quản lý chất lượng không khí.

Bảo Bình

Không khí Hà Nội chứa loại bụi nguy hiểm nhất thế giới, có thể thẩm thấu vào máu(VietQ.vn) - "Xét về hàm lượng bụi PM2.5 (loại bụi nguy hiểm nhất), chỉ số ô nhiễm không khí Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ.", GS. TS Nguyễn Hữu Ninh nói.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang