Tháo gỡ chính sách tài chính, sát cánh cùng doanh nghiệp khởi nghiệp

author 16:10 28/04/2018

(VietQ.vn) - Chính sách tài chính luôn được quan tâm hàng đầu và cần hoàn thiện thể chế chính sách để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển.

Sự kiện: Khởi nghiệp

Đó là thông tin được TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chia sẻ tại Hội thảo “Chính sách thuế, tài chính đặc thù cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia" vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, ngày 18/5/2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844 phê duyệt Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Theo đó, nhiều chính sách mới đã được ban hành nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp. Kết quả nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đã tăng cao và đang hoạt động hiệu quả trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tế hệ sinh thái khởi nghiệp còn hạn chế chưa thực sự phát huy tiềm năng và chưa đạt được những mong muốn như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Một trong những nguyên nhân đó là chính sách thuế, tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Vấn đề đặt ra là chính sách thuế, tài chính đặc thù nào cho phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết, Đề án 844 nằm trong khuôn khổ từ nay đến năm 2020 về cơ bản sẽ hoàn thiện một bước thể chế chính sách để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển. Đề án với 3 cấu phần chính, trong đó có chính sách về đầu tư thu hút vốn đầu tư mạo hiểm từ các nhà đầu tư trong nước nước ngoài, tập đoàn, cá nhân, từ các quỹ...; chính sách về thanh quyết toán, chuyển lợi nhuận, thoái vốn...

“Chính sách tài chính luôn được quan tâm hàng đầu. Để tháo gỡ khó khăn, học tập kinh nghiệm nước ngoài, đưa vào Việt Nam những chính sách phù hợp nhất thì rất cần vai trò của các nhà khoa học, người đã có nhiều thời gian nghiên cứu, có kinh nghiệm để chuyển tải kiến thức và kinh nghiệm đó cho các nhà làm chính sách. Làm sao có chính sách để thực sự đưa vào cuộc sống, không chỉ là chính sách hợp lý hợp pháp trên văn bản, học tập kinh nghiệm của nước ngoài một cách có chọn lọc để thích ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư”, TS. Phạm Hồng Quất cho hay.

Tháo gỡ chính sách tài chính, sát cánh cùng doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh minh họa

Cùng quan điểm trên, PGS.TS. Phạm Văn Liên, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn, khởi nghiệp quốc gia với mục tiêu xây dựng và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã có những thành công nhất định tuy nhiên chặng đường đồng hành cùng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất cần hoàn thiện và sửa đổi hành lang pháp lý đặc biệt là các chính sách tài chính nhằm sát cánh trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

PGS.TS. Lý Phương Duyên, Học viện Tài chính cho rằng trước khi xây dựng chính sách về thuế, tài chính cần xác định rõ chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, chủ thể của hệ sinh thái khởi nghiệp gồm có 3 nhóm: Các doanh nghiệp khởi nghiệp; các đối tượng hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: Chính phủ, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức ươm mầm, các chuyên gia cố vấn; các nhà đầu tư cho khởi nghiệp.

PGS. TS. Lý Phương Duyên cho biết, mặc dù hệ thống chính sách thuế ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định riêng cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp nhưng có thể thấy trong các văn bản pháp luật về thuế đã có những quy định mà các chủ thể có thể áp dụng. Ví dụ như: Áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế đối với một số khoản thu nhập; cho phép doanh nghiệp được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp...

Từ những ý kiến trên, các nhà quản lý sẽ xem xét các đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo có chất lượng cao, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới cơ chế chính sách tài chính để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

 Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang