‘Thế giới có 21.000 máy bay thì 19.000 chiếc dừng hoạt động do dịch Covid-19'

authorHà Thúy 07:29 17/04/2020

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không.

Chiều 16/4, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã có cuộc đối thoại với một số doanh nghiệp - đại diện cho trên 285.000 doanh nghiệp trên địa bàn, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, ứng phó với Covid-19. 

Tại đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, ảnh hưởng của dịch, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Chỉ ba tháng đầu năm, trên 4.000 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động (tăng 36% so với cùng kỳ), số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp hơn 13.000, tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành chia sẻ, bị ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức của dịch Covid-19, lượng khai thác của các hãng hàng không trong nước chỉ còn 2 - 5% năng lực. Vietnam Airlines là hãng quốc gia, được ưu ái bay nhiều nhất, thì được khai thác 3 đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, Đà Nẵng - TP.HCM, Hà Nội - TP.HCM. Đường bay quốc tế chủ yếu là chở vật tư y tế, chở công dân nước ngoài hồi hương và đưa người Việt Nam mắc kẹt về nước.

 Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG tại buổi đối thoại. Ảnh: Vnexpress

“Thế giới hiện có 21.000 cái máy bay thì đã dừng khai thác 19.000 cái. 100 năm phát triển của ngành hàng không dân dụng chưa bao giờ có điều này. Chưa bao giờ toàn bộ các nền kinh tế lớn đóng băng để chống dịch.

Cách đây 6 tuần, Tổ chức hàng không quốc tế đánh giá ngành hàng không toàn thế giới sẽ giảm doanh thu khoảng 113 tỉ USD. Đến cuối tháng 3, khi dịch bùng phát ở Hàn Quốc và châu Âu, họ dự đoán là mất 252 tỉ USD. Đến giai đoạn Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương cũng bị ảnh hưởng thì con số dự báo đã là mất 314 tỉ USD”, ông Thành nói, nhấn mạnh sự leo thang nhanh chưa từng có của mức độ ảnh hưởng.

Theo ông Thành, Vietnam Airlines đã không đặt vấn đề lỗ lãi nữa, mà vấn đề là bao giờ mới có thể phục hồi. “Dự kiến quy mô như Vietnam Airlines, khoảng 100 cái máy bay, sau dịch bệnh mà làm ăn tốt, cơ chế đảm bảo, tối thiểu cũng phải 5 năm mới bù được khoản lỗ đã phát sinh. Giảm thuế thu nhập DN không có ý nghĩa gì cả, mà phải có giải pháp hỗ trợ tài chính, phải nhanh và đảm bảo độ dài”, ông Thành nói.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho biết, kể từ khi đại dịch đến nay, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề với các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu như du lịch, khách sạn, sân golf, xuất nhập khẩu. "Thiệt hại sơ bộ của tập đoàn gần 1.000 tỷ đồng và khoảng 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu", bà Nga nói và đề nghị thành phố cho mở cửa lại các khách sạn, sân golf kèm theo điều kiện về an toàn như nhóm chơi golf không quá 8 người, đứng cách xa nhau 2 m.

Trong khi đó, một đại diện của Tập đoàn Vingroup cho biết, do chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thiếu linh kiện phụ tùng, việc sản xuất ô tô, xe máy ngưng trệ khiến doanh nghiệp lỗ trên 10.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tất cả khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí phải dừng; 70% cơ sở khách sạn dừng hoạt động...

Khoản lỗ riêng trong lĩnh vực du lịch của tập đoàn khoảng 3.000 tỷ đồng. Về giáo dục, 100% hệ thống trường lớp của tập đoàn đóng cửa. Tập đoàn đã đầu tư xây dựng chương trình học trực tuyến nhưng miễn phí cho học sinh trong khi vẫn phải trả lương cho cán bộ, giáo viên.

Thậm chí, Tập đoàn bán lẻ như Central Retail (sở hữu chuỗi siêu thị Big C) cũng than lỗ nặng. “Tháng này chúng tôi bắt đầu thua lỗ vì kinh doanh phi thực phẩm như điện máy, chuỗi cửa hàng thời trang bị đóng cửa hoàn toàn. Còn duy nhất Big C hoạt động, nhưng doanh số không tăng trưởng, vì nhóm thực phẩm thiết yếu tăng mạnh, nhưng nhóm đồ dùng gia đình âm 70%, do người dân thắt chặt chi tiêu, chỉ tập trung vào nhóm thiết yếu”, đại diện DN này cho biết.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho rằng, hiện thế giới cũng chưa thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng của dịch. Quý 1, Việt Nam dù tăng trưởng cao so với thế giới, nhưng cũng chỉ được một nửa so với năm ngoái. Quý 2 dự kiến còn khó khăn hơn.

“TP xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân để có tăng trưởng. Những gì vượt qua thẩm quyền của TP, thì chúng tôi sẽ trình Thủ tướng và Quốc hội để sửa đổi. Chúng ta tìm công thức win - win, TP tháo gỡ khó khăn cho DN, và DN hiến kế cho TP vượt qua khó khăn này, duy trì đà tăng trưởng. Chúng ta phấn đấu hình chữ V lệch, kinh tế đi xuống từ từ và đi lên thẳng đứng, chứ không được để chữ U, xuống rồi chạy mãi mới lên; hoặc chữ L, xuống rồi không lên nữa”, ông Huệ nói.

Hà Thúy (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang