Thi đại học 2014: Bí kíp giảm áp lực cho sĩ tử

author 15:14 29/06/2014

(VietQ.vn) - Kỳ thi đại học 2014 đang đến gần, việc ổn định tâm lý như thế nào, và làm sao để đảm bảo sức khỏe trong mùa thi là vấn đề được các phụ huynh quan tâm hàng đầu. Vậy làm thế nào để giảm áp lực cho sĩ tử trong mùa thi đại học?

Kỳ thi đại học sắp tới, sự kỳ vọng của gia đình, căng thẳng do bài vở, việc học tập không đúng cách có thể khiến các sĩ tử làm bài thi không hiệu quả và tạo ra những hệ quả tiêu cực về tâm lý, thể chất. Dưới đây là những phương pháp giúp giảm áp lực trước kỳ thi để các bạn học tập tốt hơn.

Phương pháp học tập khoa học trước kỳ thi đại học

Có một phương pháp học tập đúng đắn với mục tiêu và kế hoạch cụ thể cũng giống như bạn xem kỹ bản đồ trước khi tìm đường, bạn sẽ tới được đích cần đến chủ động và hiệu quả. Sau khi có mục tiêu, các bạn cần lên lịch cho từng công việc để tiến tới mục tiêu đó, việc nào quan trọng hơn thì làm trước.

Học bằng hình ảnh, bằng sơ đồ tư duy, biểu đồ thì lượng kiến thức hấp thụ được sẽ tăng nhiều hơn so với việc ngồi học thuộc lòng các công thức toán học hay các sự kiện lịch sử hết trang này đến trang khác. Sau khi học xong lý thuyết, bạn nên rèn luyện bằng các bài tập thực tế để trí nhớ được cài đặt và lập trình bằng hoạt động cụ thể.

Giam áp lực cho sĩ tử trước kỳ thi đại học 2014 1

Kỳ thi đại học 2014 đang đến gần, các sĩ tử cần chuẩn bị tâm lý tốt

Chọn thời điểm học tùy thuộc vào từng cá nhân: Sáng sớm hay tối là tùy thuộc vào đặc điểm riêng của từng bạn. Lưu ý: Nếu là buổi sáng sớm thì nên thức dậy ngay khi nghe chuông báo thức. Vệ sinh cá nhân rồi một bài tập thể dục. Tất cả những việc trên nhằm giúp các em nhanh chóng tỉnh ngủ và tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Nếu học khuya thì nên kết thúc trước 11 giờ, tối đa là 12 giờ, vì thức khuya liên tục không tốt cho sức khỏe, nó làm chúng ta không còn đủ tỉnh táo để học vào ngày hôm sau. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần, rất dễ bị stress và thiếu minh mẫn...

Cha mẹ đừng cố tạo áp lực cho con cái trước khi bước vào kỳ thi đại học

Cha mẹ cũng đóng vai trò quan trọng giúp con em mình ôn thi đại học. Cha mẹ cần tạo điều kiện để các sĩ tử học tập và sinh hoạt đúng giờ giấc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Kiểm tra, đôn đốc, động viên các em thực hiện kế hoạch ôn tập hợp lý. Tổ chức các hoạt động thư giãn trong gia đình để các em cùng tham gia như cùng nấu ăn, đi dạo công viên, xem một bộ phim hài... Đặc biệt không tạo áp lực theo kiểu: “Nếu con không đậu thì đừng nhìn mặt ba mẹ”. Nên tạo động lực bằng những viễn cảnh tươi đẹp.

Đảm bảo sức khỏe cho các sĩ tử trước kỳ thi đại học 2014

Giam áp lực cho sĩ tử trước kỳ thi đại học 2014 2

Cha mẹ cũng cần quan tâm đến dinh dưỡng cho các sĩ tử trước kỳ thi đại học

Càng cận kề kỳ thi, các sỹ tử càng cần chú ý đến sức khỏe của mình. Sắp xếp một thời gian biểu hợp lý kết hợp học tập và nghỉ ngơi, thư giãn sẽ giải tỏa được căng thẳng, bức bối, nâng cao hiệu quả học tập. Sau mỗi giờ học tập căng thẳng nên dành ra 5 -10 giải trí bằng âm nhạc hoặc vẫn động cơ thể để phục hổi sức khỏe và trí lực. Đặc biệt phải chú ý đến giấc ngủ. Áp lực thi cử cao cùng với tình trạng thiếu ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, suy giảm trí nhớ. Dù học tập với cường độ cao, các sỹ tử vẫn nên ngủ trung bình 6-7 tiếng/ ngày và không nên bỏ qua giấc ngủ trưa.

Chế độ ăn cần đủ chất cũng rất cần thiết, nhất là những thức ăn có lợi cho não bộ. Nhưng nên ăn vừa phải không quá nhồi nhét để tránh trì trệ cho bộ não và ì ạch cho cơ thể. Thực phẩm tốt cho sĩ tử, giúp giải tỏa căng thẳng là: cam, cải bó xôi, sữa, ngũ cốc, thực phẩm giàu protein (thịt, cá, trứng, hải sản...), hạnh nhân, quả hồ trăn, quả óc chó, rau bina, cá hồi, các loại rau màu xanh đậm... Nên cho con uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể.

Hạn chế dùng chất kích thích như caffeine (có trong cà phê và trà). Không bỏ bữa ăn sáng. Đây là bữa ăn quan trọng giúp con bổ sung phần lớn dinh dưỡng cần thiết trong ngày. Cố gắng đưa nhiều thực phẩm như sữa, các chế phẩm từ sữa, trứng, cá, thịt gà, rau củ vào thực đơn của bữa ăn sáng. Bên cạnh đó, thực hiện thói quen ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giúp giữ lượng đường trong máu ổn định, không để đói khi đó đường huyết sẽ xuống thấp. Khi lượng đường trong máu hạ thấp, tinh thần, thể chất, năng lượng, cảm xúc xuống dốc nhanh chóng và căng thẳng có cơ hội gia tăng.

Cách tiết kiệm chi phí trong kỳ thi đại học

Hương Mi (t.h)


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang