Thi quốc gia 2015: Nên áp dụng công nghệ đo lường

author 16:20 03/01/2015

Dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐTcòn yếu tố khác tác động đến chất lượng kỳ thi, đó là công nghệ đo lường.

thi quốc gia 2015, phương án chính thức, tuyển sinh, tốt nghiệp phổ thông, thi 4 môn, môn thi chính, phương án thi, đại học, cao đẳng, 10 khối thi mới, đo lường giáo dục

Dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT đã toát ra tinh thần nghiêm túc, cố gắng đảm bảo tính khách quan của kỳ thi. Tuy nhiên còn một yếu tố khác nữa có tác động quyết định đến chất lượng kỳ thi, đó là công nghệ đo lường.

Điều 3 của dự thảo quy định thi tám môn, trong đó bốn môn vẫn giữ phương pháp tự luận, tức là theo phương án 1 trong ba phương án mà bộ đưa ra trước đây.

Trong hội nghị bàn về tuyển sinh trước đây nhiều trường đại học lớn ủng hộ phương án 2, bản thân tôi cũng vậy vì tôi cho rằng phương án 1 là “bảo thủ” nhất. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT đã chọn phương án 1. Chúng tôi thông cảm với bộ vì đây là phương án ít phải thay đổi nhất, và với ý của bộ trưởng là sẽ đi tàu từng chặng, chúng tôi hiểu việc chọn phương án 1 là chỉ cho năm 2015, sau đó phải tiến đến các phương án khác tiến bộ hơn.

Chỉ cần thi trong hai buổi

Phương án 1 có mấy nhược điểm lớn: 1. Thời gian thi quá dài (tám môn ít nhất 6-7 buổi thi); 2. Nhiều môn tự luận chấm thi tốn kém, mất nhiều thời gian và không khách quan; 3. Thí sinh lựa chọn trường phức tạp vì quá nhiều môn thi, tạo ra nhiều phương án chọn khác nhau. Do đó các năm sau nên chuyển sang phương án 2 (chỉ năm đề thi: toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội), trong đó hai đề sau là đề tích hợp.

Một số người lo lắng về đề “tích hợp”, vì chương trình học chưa tích hợp. Thật ra đề tích hợp có thể bao gồm các đề đơn môn độc lập, hoàn toàn chưa cần chương trình học tích hợp.

Phương pháp trắc nghiệm cho phép làm các đề như vậy, chẳng hạn mỗi môn chỉ cần 15-20 câu trắc nghiệm, tích hợp 3-4 môn chỉ cần 45-80 câu. Kỳ thi năm môn như phương án 2 chỉ cần tổ chức trong hai buổi là đủ.

Đề trắc nghiệm cho phép chấm nhanh, ít tốn kém và chính xác. Chúng ta có thể tăng chất lượng nhờ quy trình lâu dài hằng năm để xây dựng, thử nghiệm và chỉnh sửa các câu hỏi trong ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm. Trong khi đó tìm đủ người có năng lực để chấm các bài thi tự luận dài trong thời gian ngắn cho một kỳ thi rất đông thí sinh là điều không thể.

Một nhược điểm của trắc nghiệm là không đánh giá được khả năng diễn đạt và năng lực giải quyết vấn đề thì có thể khắc phục bằng cách thêm vào đề toán và tiếng Việt một câu tự luận ngắn, đòi hỏi thí sinh làm không quá 30 phút. Hạn chế thời gian làm bài tự luận buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận trước khi viết, và cũng đỡ tốn công chấm bài.

Nâng chất lượng kỳ thi bằng công nghệ đo lường

Để bạn đọc tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, chúng tôi xin cung cấp thông tin: ở Mỹ có hai kỳ thi cuối bậc phổ thông và tuyển sinh đại học của hai tập đoàn đánh giá tiến hành song song 12 lần trong một năm: SAT thi hai môn tiếng Anh, toán và một câu tự luận ngắn làm trong 25 phút, thời gian tổng cộng 3 giờ 45 phút; ACT cho bốn môn: tiếng Anh, toán, đọc hiểu (chủ yếu khoa học xã hội) và suy luận (khoa học tự nhiên) kèm một câu tự luận ngắn làm trong 30 phút, thời gian tổng cộng chỉ 3 giờ 25 phút.

Tôi cho rằng hiện nay chúng ta hoàn toàn có đủ chuyên gia và lực lượng để thực hiện một kỳ thi có chất lượng cao theo phương án 2, miễn là bộ cố gắng huy động sự đóng góp của các trường đại học và xã hội nói chung. ĐHQG Hà Nội đang cố gắng cải tiến tuyển sinh theo hướng tiến bộ, nhưng tiếc là cố gắng chỉ tác động bó hẹp trong trường mình.

Nếu bộ bước tiếp chặng đường sau (như ý bộ trưởng đã nói) trong đổi mới kỳ thi hợp nhất bằng cách thực hiện phương án 2 thì chất lượng kỳ thi cuối bậc phổ thông của ta nhất định sẽ thật sự được nâng cao.

Theo phương hướng đó thì nên sửa lại điều 3 của quy chế với tinh thần: các quy định về môn thi có thể thay đổi trong các năm sau. Hi vọng với sự cố gắng của bộ và góp sức của cộng đồng giáo dục, sắp tới chúng ta sẽ thực hiện đúng tinh thần của nghị quyết 14 về đổi mới giáo dục ĐH: “Cải tiến tuyển sinh theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại”.

Theo Tuổi trẻ


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang