Chất lượng sống

Ẩm thực

Thỏa sức khám phá ẩm thực khi đến mảnh đất An Giang

author 07:01 26/06/2016

(VietQ.vn) - Vùng đất An Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật ngon khó quên mà không phải nơi nào cũng có.

Tung lò mò: “Tung lò mò” chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Từ lâu, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.  Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Hấp dẫn nhất là lạp xưởng nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín xong cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức không còn mùi mỡ bò.
Bánh phồng Phú Mỹ: Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm…  Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái đĩa con nhưng khi nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, có vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.
Bò cạp: Đến hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn, An Giang bạn không thể bỏ qua món đặc sản bò cạp chiên giòn. Bò cạp là loại côn trùng có hình dáng kỳ dị, to bằng con dế cơm, đuôi nhọn hoắt và hai càng to tướng, đuôi dài, đen nhánh đáng sợ. Loại này thường ẩn náu ở những hốc cây mục, kẽ đá, nơi có nhiều bụi rậm và cao ráo. Bò cạp bắt về cho vào thau vài ngày cho sạch bụng, để nguyên con rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Trong chốc lát, bò cạp chín, bốc mùi thơm phức .
Bò bảy món Núi Sam: Đến vùng Núi Sam thuộc thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang bạn phải thưởng thức đặc sản nối tiếng đó là bò bảy món. Bò bảy món gồm những món: lòng bò luộc; bò đun, bánh hỏi; cháo đầu bò; bò khía bánh mì; bò xào lá vang; bò bít tết và bò lúc lắc. Dù thưởng thức món nào du khách cũng đều cảm thấy thích thú vì ngon miệng.
Bún cá Long Xuyên: Bún cá nấu thì không quá khó, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công. Nước lèo sẽ được nấu từ nước luộc cá (có nhiều người bán còn cho thêm xí quách vào nấu để nước tăng thêm vị ngọt). Nấu sao mà nồi nước lèo phải trong, có vị ngọt của cá và đặc biệt không tanh mùi cá. Cá phải là loại cá lóc đồng còn tươi sống, thì khi nấu thịt cá mới có thể ngon và ngọt.  Cá sau khi luộc chín, gỡ lấy phần nạt và bỏ đi phần đầu và xương cá. Khi bóc cá đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận vì nếu xương cá còn sót lại thì rất dễ bị hóc xướng cá. Phần nạc cá sẽ được ướp gia vị cùng với bột nghệ (hoặc nghệ tươi tùy theo người nấu) và xào sơ cho thấm gia vị để lấn át mùi tanh của cá.
Cá leo nướng muối ớt: Một trong những món ăn mà bạn nhất định phải thử khi đặt chân lên mảnh đất An Giang là cá leo nướng muối ớt thơm ngon, béo ngậy. Cá leo là một loài nước ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao. Loài cá này được phân bố ở nhiều vùng khác nhau và sông Tiền, sông Hậu là nơi tập trung nhiều cá leo nhất.  Không còn gì thú vị hơn khi về vùng An Giang dạo quanh miền sông nước, thưởng thức món cá leo thơm ngon độc đáo trong không khí yên bình, trong lành vào dịp mùa nước nổi. Bạn có thể mua cá leo về làm quà với giá từ 100.000 đến 130.000 đồng/kg.
Cá heo sông Hậu: Cá heo sông Hậu là những con cá mình dẹp, da màu trắng xanh, có sọc ngang, to bằng ba ngón tay. Đặc biệt cá heo da xanh, đuôi đỏ thịt thơm ngom . Khi lặn dưới nước, người ta nghe tiếng chúng kêu éc éc và khi bị bắt lên bờ chúng giẫy giụa cũng phát ra âm thanh giống tiếng heo kêu nên người dân lưu vực sông Hậu đặt tên chúng như vậy
Cá lóc nướng trui: Cá lóc nướng trui là một thứ đặc sản của miền quê Nam Bộ vừa dân dã vừa hấp dẫn là món ăn bạn không thể bỏ qua nếu có dịp đến vùng sông nước miệt vườn An Giang .Cá lóc nướng trui không bao giờ để cá lên vĩ, bên dưới hừng hực than hồng, như nướng những thức ăn khác mà phải nướng lửa. Ngọn lửa rơm, nếu làm khác đi, miếng cá sẽ mất thơm, không còn hương vị cá nướng trui. Dùng nhánh trúc nhỏ xuyên từ họng cá đến đuôi cá, cắm đứng thẳng xuống đất, phủ rơm khô trùm lên cá châm lửa đốt. Cái khéo và tay nghề người nướng cá là theo kinh nghiệm, người ta biết cần cỡ bao nhiêu rơm cho cá chín.
Cá rô mề kho rau răm: Cá rô mề là loài cá nước ngọt sống nơi ao hồ, đồng ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long rất nhiều trong đó có vùng Châu Đốc, An Giang. Thịt cá rô mề ngọt, béo, thơm ngon chế biến món nào củng ngon như: cá rô mề kho tộ, nướng, chiên xù…, trong đó có món cá rô mề kho rau răm dân dã nhưng có hương vị độc đáo.
Canh chua bông điên điển: Ai đã từng đến Châu Đốc vào mùa nước nổi thì không thể không biết đến nồi canh chua bông điên điển. Nguyên liệu chính của nồi canh chua là bông điên điển, cọng bông súng, me, rau thơm, ớt và cá linh hay cá rô đồng . Bông điên điển được hái phải là bông điên điển đầu mùa lũ, vì vừa ngọt vừa bùi, vừa vàng sặc sỡ mùi vị rất riêng.
Cà na đập: Từ bao đời nay, cây cà na trở thành người bạn thân quen đối với người dân miền Tây. Rễ cây cà na thường bám chặt lấy nhau thành chùm nên giữ đất và có công dụng chắn sóng rất tốt. Bông cà na búp có màu xanh lợt, khi nở lại có màu trắng rất đẹp. Đến mùa nước nổi, những bông ấy sẽ trở thành những chùm trái căng tròn. Trái cà na có hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay. Trái non có màu xanh, đến lúc chín ngả sang màu vàng lợt, vị chua chát thật hấp dẫn.
Gỏi sầu đâu: Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi – An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím. Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời. Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.
Mắm ruột: Mắm là món ăn truyền thống nổi tiếng ở An Giang, mắm ruột là món ăn làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt để chừng ba tháng. Ruột cá làm mắm phải chọn từ cá to, mập và phải có thêm chùm trứng to vàng. Sau khi moi mổ bụng cá lấy bộ ruột phải thật khéo tay lột bớt lớp mỡ bao quanh, sau cho thứ chất béo này đủ làm tươm bóng miếng mắm mà không gây mùi.
Các loại khô: Ngoài các loại mắm, khô cá cũng là món ăn nổi tiếng ở An Giang. Vì lượng cá quá nhiều và tươi ngon nên khô ở đây cũng đa dạng như khô cá linh, cá sặc, cá tra...  Châu Đốc còn có món khô bò rất ngon, chia làm 3 loại gồm khô bò vàng cứng và giòn, khô bò nâu sẫm cứng nhưng không giòn và khô bò nâu xốp giòn, dẻo. Khô Châu Đốc chính là một trong những món du khách rất hay mua về làm quà.
Các loại mắm: Châu Đốc (An Giang) được mệnh danh là ''vương quốc mắm'' nhờ nằm ngay ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Mekong nổi tiếng với trữ lượng cá trong tự nhiên vô cùng phong phú. Đến Châu Đốc, bạn sẽ bắt gặp các loại hấp dẫn như mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc... hay nổi tiếng nhất là mắm Thái được bày bán khắp nơi.  Mắm Châu Đốc có vị hơi ngọt đặt trưng của Nam Bộ nhưng bên trong lại mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng, đặc biệt vào những ngày mưa. Giá các loại mắm dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng mỗi kg.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang