Thúc đẩy hợp tác Việt - Lào về an toàn bức xạ và hạt nhân

author 13:12 30/11/2014

(VietQ.vn) - Việt Nam và Lào đang tăng cường các hoạt động hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc hoàn thiện hạ tầng pháp quy và nâng cao năng lực an toàn bức xạ và hạt nhân.

Sự kiện: Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam

Trong khuôn khổ nhiệm vụ hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN) theo Nghị định thư "Hỗ trợ cơ quan pháp quy an toàn bức xạ Lào hoàn thiện hạ tầng pháp quy và nâng cao năng lực kỹ thuật an toàn bức xạ", hội thảo "Quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân", được Bộ KH&CN Việt - Lào tổ chức.

Tham dự hội thảo này về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh; về phía Lào có Thứ trưởng Bộ KH&CN Sourioudong Sundara và các cơ quan chức năng quản lý an toàn, bức xạ và hạt nhân của hai nước.

Thúc đẩy hợp tác Việt Lào về an toàn bức xạ, hạt nhân

Thúc đẩy hợp tác Việt - Lào về an toàn bức xạ, hạt nhân. Ảnh: N. N

Hội thảo này là cơ hội tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ, đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam - Lào.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, ứng dụng năng lượng nguyên tử đã được nhiều nước trên thế giới quan tâm, sử dụng từ đầu thế kỷ 20 và ngày càng được sử dụng rộng rãi cũng như mang lại những lợi ích to lớn, thiết thực cho đời sống, kinh tế, xã hội trong những thấp kỷ gần đây. Tại Việt Nam, để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế, Chính phủ đã ban hành những quyết định quan trọng liên quan đến việc ứng dụng năng lượng nguyên tử, định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030; quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020. 

Tuy nhiên, bên cạnh tính ưu việt của năng lượng nguyên tử là nguồn năng lượng sạch, không phát thải khí nhà kính, dễ sử dụng thì việc sử dụng năng lượng nguyên tử cũng tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố bức xạ, hạt nhân. Những bài học đắt giá từ sự cố hạt nhân Chernobyl ở Ukraine (năm 1986), Nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản... là sự cảnh báo nghiêm khắc cho nhân loại về sự cẩn trọng trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử.

"Các sự cố nguồn phóng xạ là sự nhắc nhở công tác đảm bảo an toàn, an ninh nguồn phóng xạ phải luôn được quan tâm một cách đúng mức trong việc sử dụng kỹ thuật hạt nhân", Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Hiện nay, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân, mặc dù mới được thành lập trên 10 năm nhưng đã tạo được mạng lưới quản lý nhà nước về an toàn bức xạ khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Góp phần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ và hạt nhân, công tác thẩm định cấp phép, thanh tra, hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và quan hệ quốc tế trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân.

Tháng 10/2011, Lào được kết nạp và là thành viên thứ 151 của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Theo quy định của IAEA, các nước thành viên muốn nhận viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật liên quan tới nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ để phát triển kinh tế quốc gia phải có hạ tầng pháp quy về an toàn bức xạ và an ninh đối với nguồn phóng xạ. Với vai trò là thành viên lâu năm của IAEA, Việt Nam mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm của mình hỗ trợ Lào sớm hoàn thiện hạ tầng pháp quy về an toàn bức xạ.

Thứ trưởng Bộ KH&CN, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ông Sourioudong Sundara, đánh giá cao sự hỗ trợ của Việt Nam trong việc hợp tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng, kỹ thuật, kiểm tra nguồn phóng xạ hiện có tại Lào. 

 

 Nhà máy điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong cuộc sống

Thứ trưởng Sourioudong Sundara nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phát triển năng lượng nguyên tử, ngoài mục đích hòa bình, Lào cần sử dụng năng lượng nguyên tử để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc ứng dụng trong lĩnh vực khoáng sản, khai thác mỏ. Đồng thời, tin tưởng sự hợp tác giữa hai chính phủ Việt Nam - Lào sẽ được thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.

Thời gian thực hiện theo Nghị định thư từ tháng 1/2013 đến tháng 6/2015, nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Lào trong lĩnh vực an toàn bức xạ, đồng thời hỗ trợ Lào trong việc phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng pháp quy về an toàn bức xạ để Lào sớm có đủ năng lực thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của nước thành viên trong IAEA.

Nguyễn Nam

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang