Thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức

author 14:42 22/11/2012

(VietQ.vn) - Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp lần thứ 1 của Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quốc gia nhiệm kỳ 5 giai đoạn 2012 - 2016.

Phát biểu tại phiên họp, ông Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Theo dự kiến Hội đồng sẽ tham gia tư vấn, đóng góp ý kiến cho các Đề án bổ sung, sửa đổi một số Luật trong lĩnh vực KH&CN như Luật KH&CN, Luật chuyển giao công nghệ, Luật năng lượng nguyên tử… Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đóng góp ý kiến vào các Đề án, thuộc Chương trình công tác của Chính phủ và của Bộ KH&CN như: xây dựng quy hoạch hệ thống các tổ chức KH&CN, đổi mới mô hình và phương thức hoạt động của các tổ chức KH&CN, chính sách sử dụng nhân lực KH&CN và trọng dụng người tài…

Đồng thời, Hội đồng sẽ phối hợp với Bộ KH&CN và các Bộ, ngành khác có liên quan tập trung nghiên cứu, tư vấn với Thủ tướng về một số vấn đề như: đánh giá tác động của hệ thống cơ chế chính sách đối với hoạt động KH&CN; chính sách “bắt chước công nghệ” với mục tiêu nhanh chóng làm chủ được công nghệ mà ta chưa có, chưa thể mua hoặc không thể mua được nhằm sản xuất ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh lớn; chính sách phát triển đội ngũ doanh nghiệp KHCN; chính sách thu hút các nhà đầu tư công nghệ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp toàn thể

31 thành viên Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia nhiệm kỳ 5 giai đoạn 2012- 2016 bao gồm 6 thành viên thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, 6 thành viên thuộc lĩnh vực xã hội - khoa học chính trị, 6 thành viên khối kinh tế- tài chính, 10 thành viên khối khoa học kỹ thuật, 3 thành viên khối y học.

Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng cần đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, xây dựng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong những năm qua nhân lực khoa học và công nghệ của nước ta đã phát triển khá mạnh. Đến nay cả nước có khoảng 4,2 triệu người có trình độ từ đại học, cao đẳng trở lên, trong đó có 25.000 tiến sĩ, 61.000 thạc sĩ. Số người trực tiếp là công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là trên 62.000 người, đạt 7 người trên 1 vạn dân.

Hiện nay, cả nước có trên 1.600 tổ chức khoa học và công nghệ, 204 trường đại học, 433 tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các Bộ, ngành, 340 tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các Hội và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, địa phương và doanh nghiệp. Tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập ngày càng tăng, chiếm hơn 56% tổng số các tổ chức khoa học và công nghệ cả nước.

Phiên họp có sự tham dự của nhiều nhà khoa học Việt Nam

Thủ tướng khẳng định, đây là lực lượng nòng cốt để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. “Cần phải có cơ chế, chính sách thỏa đáng để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực sáng tạo này”, Thủ tướng nói.

Về việc đẩy nhanh tiến độ hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý về nguyên tắc triển khai xây dựng 3 chương trình: hợp tác nghiên cứu chung song phương và đa phương về khoa học về công nghệ, tăng cường nguồn lực thông tin phục vụ hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ, tìm kiếm, giải mã và chuỷen giao công nghệ nước ngoài về Việt Nam.

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ, giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ cần tập trung một số nội dung chính như: xác định rõ đối tác chiến lược trong hợp tác nghiên cứu chung và địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn cần khai thác, chuyển giao; hình thành một số trung tâm nghiên cứu quốc tế trên cơ sở hợp tác dài hạn giữa các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam và nước ngoài; tiếp tục hoàn thiện chính sách và cơ chế tìm kiếm, mua bí quyết công nghệ và mua chất xám để thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân bày tỏ: “Cần phải tập hợp đội ngũ khoa học hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời tạo môi trường làm việc tốt để kêu gọi các nhà khoa học Việt Nam tại nước ngoài trở về nước làm việc”.

“Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, nhiệm vụ xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ giữ vai trò hết sức quan trọng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thu Huyền

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang