Thuốc Đông y hết nhiễm chì lại đến asen

author 07:29 20/10/2016

(VietQ.vn) - Các chuyên gia y tế cho rằng, ngộ độc thuốc Đông y hiện nay cũng ở mức báo động không kém vấn đề ngộ độ thực phẩm.

Thuốc đông y kém chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng vì chứa nhiều độc tố (Ảnh minh họa)

Tử vong vì dùng thuốc tùy tiện

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tháng nào cũng có trường hợp ngộ độc thuốc Đông y nhập viện với các triệu chứng rất nặng: Tổn thương gan, viêm gan do nhiễm độc, suy thận vô niệu... Nhiều trường hợp, dù bệnh viện đã khẩn trương tiến hành lọc máu, nhưng bệnh nhân vẫn tử vong hoặc để lại những di chứng hết sức nặng nề. Theo TS Hà Trần Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, trong những vụ ngộ độc thuốc Đông y xảy ra, nổi lên tình trạng ngộ độc thủy ngân, chì, lưu huỳnh, phốt pho…

TS Hưng kể, Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn H. (Hải Phòng) điều trị bệnh khớp bằng thuốc Đông y. Sau một thời gian uống thuốc, bệnh nhân buộc nhập viện do ngộ độc, gây suy gan, suy thận nặng. Hay như trường hợp chị Nguyễn Minh T. (Ninh Bình), nghe giới thiệu nên lặn lội về tận Bắc Ninh cắt thuốc Đông y để điều trị vô sinh. Chỉ sau 10 ngày uống thuốc, chị thấy đau bụng, cảm giác trống ngực, đưa đến viện thì được xác định ngộ độc chì với nồng độ gần 60mcg/dL.

Đáng tiếc hơn, trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị H., (60 tuổi, Bắc Ninh) vốn bị bệnh tăng huyết áp, đang uống thuốc điều trị, bệnh khá ổn định. Vì nghe lời khuyên của hàng xóm nên bà H. bỏ thuốc Tây chuyển dùng thuốc Đông y cho mát và bổ... Được một thời gian ngắn, bà H. đã phải nhập viện trong tình trạng suy tim rất nặng với các rối loạn nhịp tim phức tạp và được chẩn đoán viêm cơ tim do thuốc Đông y. Sau hơn 4 tháng điều trị, bệnh nhân đã tử vong.

 Sử dụng thuốc Đông y có chứa tồn dư độc hại trong quá trình bảo quản sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

Đông dược hay độc dược?

Trao đổi với PV, TS Hưng cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ngộ độc cho người bệnh khi dùng thuốc Đông y là những tồn dư hóa chất lưu huỳnh, phốt pho, thủy nhân… dùng tronng bảo quản, chế biến thuốc, chống ẩm mốc.

Nói về tác hại của việc dùng thuốc Đông y kém chất lượng, TS Hưng nhấn mạnh: “Ngộ độc asen từ việc dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc thêm hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều người đang tin dùng các loại thuốc đông “dởm” để tự chữa bệnh”. Asen là một kim loại nặng rất độc, khi vào cơ thể gây ra những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm như ung thư bàng quang, gan, thận, ruột, da... làm rối loạn di truyền như đột biến gen và dẫn đến tử vong. Cơ chế hấp thu asen vào cơ thể không như chì (chì hấp thu vào máu, vào xương) nhưng asen hấp thu vào cơ thể lại được đào thải ra phần lớn trong vòng 1 tuần, nhưng như thế cũng đủ để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến chức năng cơ quan nội tạng như tim mạch, tiêu hóa, sinh sản…

Đặc biệt là nhiễm asen mạn tính liều thấp trong thời gian dài sẽ dẫn đến những tổn thương mạn tính của các hệ cơ quan và dẫn đến những biến chứng nặng nề như vàng da, suy gan, thiếu máu, bệnh hạch to (u lympho)…

Dưới góc độ Y học cổ truyền, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội cho rằng, ngộ độc thuốc Đông y có thể do độc tố tồn tại trong chính bài thuốc, bởi thuốc Đông y có nhiều nguồn gốc: Động vật, thực vật, côn trùng, khoáng vật… mỗi loại có thể có tới hàng nghìn vị, trong đó một số vị thuốc bản thân trong nó đã chứa chất độc (ví dụ như mã tiền dùng sai liều lượng có thể gây chết người). Do đó, khi sử dụng thuốc Đông y, nếu không biết rõ về các vị thuốc, kết hợp sai vị, sai liều lượng, hoàn toàn có thể bị ngộ độc.

Mặt khác, ông Trung cũng cho biết thêm, trên thị trường hiện nay, một số cây vẫn được dùng thường xuyên trong các toa thuốc nhưng gần đây mới phát hiện được độc tính như cây Vòi voi, có chứa alcaloid pyrrolizidin (AP) vẫn có mặt trong các toa thuốc điều trị phong thấp, đau nhức, mụn nhọt. “Người ta tình cờ phát hiện độc tính khi theo dõi tình trạng chết hàng loạt cừu ở Australia vì ăn một loại lá có chứa AP. Kết quả nghiên cứu cho thấy AP gây hủy hoại tế bào gan, có thể gây ung thư gan”, ông Trung cho hay.

Ông Trung chũng nói thêm, gần đây nhất là thông tin cây Phòng kỷ (Aristolochia fangchi) có mặt trong thành phần bài thuốc Đông y giảm cân, đ-ược ghi nhận có độc tính trên thận, có thể gây ung thư do acid aristocholic có trong cây là dẫn xuất có liên quan đến cấu trúc nitrophenanthrene là chất có tính gây đột biến cho vi khuẩn và gây ung thư cho động vật thí nghiệm.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người bệnh tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc Đông y trôi nổi trên thị trường hoặc lấy thuốc từ các cơ sở thuốc Đông y “chui”. Bên cạnh đó, người bệnh không nên sử dụng thuốc theo “lời mách”, bởi một số bài thuốc, vị thuốc dù giống nhau nhưng chỉ có công dụng với người này mà hoàn toàn vô dụng hoặc phản tác dụng đối với người khác tránh rước thêm bệnh vào thân.

Dược liệu Trung Quốc: Vừa dùng vừa lo rước bệnh(VietQ.vn) - Dược liệu giả, trộn hóa chất độc hại, chiết xuất mất hoạt chất ngày một phổ biến, gây ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và sức khỏe người sử dụng.

Tuấn Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang