Thương mại điện tử và sự phát triển của doanh nghiệp: Cơ hội luôn nhiều hơn thách thức

author 08:44 17/05/2021

(VietQ.vn) - “Mảnh đất” thương mại điện tử rộng lớn, bao giờ cũng có đất cho những người có lối đi riêng mà không có nhiều cạnh tranh với những đối thủ khác. Thực ra cơ hội luôn nhiều hơn thách thức dù thách thức không nhỏ, nếu chúng ta biết cách và học cách, chúng ta sẽ làm được.

Thời gian qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, mua sắm trực tiếp giảm hẳn so với giai đoạn chưa có dịch. Tuy nhiên, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh đã nắm bắt xu thế này - nhanh chóng chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu khách hàng và tăng trưởng của doanh nghiệp.

Theo ông Trần Minh Tú – đại diện Công ty Cổ phần toàn cầu Eviet Global – một doanh nghiệp siêu nhỏ, thành lập từ đầu năm 2020, chuyên hoạt động lĩnh vực thương mại điện tử: Nhận diện giao thương trực tuyến có tiềm năng lớn, đồng nghĩa có đối thủ nhiều, công ty đã chọn phân khúc nhỏ, với dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ để tập trung phát triển, nhưng thách thức ngày càng hiện diện.

"Chúng tôi mới tham gia khoảng hơn 1 năm, khó khăn nhiều vì mình muốn xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường như Mỹ thì cần biết họ thích gì, xu hướng thế nào chứ không phải mình có gì bán đấy. Đồng thời, đối với khâu xuất khẩu cần đảm bảo thời gian đưa hàng từ Việt Nam sang nước ngoài, đến tay người tiêu dùng với chi phí tối ưu, bởi nếu không đúng hẹn khách hàng sẽ không mua hàng của mình nữa…”.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thể đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh minh họa. 

Cũng theo ông Tú, “mảnh đất” thương mại điện tử rộng lớn, bao giờ cũng có đất cho những người có lối đi riêng mà không có nhiều cạnh tranh với những đối thủ khác. Thực ra cơ hội luôn nhiều hơn thách thức dù thách thức không nhỏ, nếu chúng ta biết cách và học cách, chúng ta sẽ làm được.

Chia sẻ của ông Trần Minh Tú là thực tiễn góp phần khẳng định, cần có chiến lược bài bản hơn mới tận dụng được lợi thế từ nền tảng thương mại điện tử, đó không chỉ là nguồn nhân lực hiểu biết thực sự về hoạt động kinh doanh này, không chỉ là hiểu biết về mặt pháp lý khi giao thương trên môi trưởng ảo, giao thương online đa quốc gia, đó còn là nhiều vấn đề kỹ thuật khác như vận chuyển (logistics) sau ký kết hợp đồng online, là tiếp nhận và xử lý các tranh chấp giao thương “ảo”…

Nhận diện thực tiễn này cùng tiềm năng của hoạt động thương mại điện tử, Bộ Công Thương – Cơ quan quản lý hoạt động Thương mại điện tử và kinh tế số đã và đang có nhiều chương trình hành động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nêu cụ thể, chủ trương định hướng chung của Chính phủ trong đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và trong khuôn khổ cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, từng năm sẽ có những lộ trình, trọng tâm để hoàn thành mục tiêu.

Công tác đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực quản lý của các doanh nghiệp là một trong những điểm mấu chốt nhằm thay đổi tư duy quản trị của chủ doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử. Không phủ nhận thời kỳ các hộ gia đình, cá thể có thể mở gian hàng - bán hàng trên mạng xã hội và tăng trưởng – đấy là lộ trình phát triển tất yếu nhưng đến giai đoạn cần phát triển hơn nữa, cần mở rộng khách hàng, doanh nghiệp cần đến những hệ thống phân phối trực tuyến lớn, đó là các sàn thương mại điện tử, để có thể làm 1 cách chuyên nghiệp, bài bản.

Thông tin từ đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, thời gian qua, cơ quan chức năng đã có những nghiên cứu, tính toán bài bản với chủ trương “mở lối” cho các hình thức giao thương trực tuyến thâm nhập vào đời sống kinh tế-xã hội, giúp người dân tiếp cận nhanh hơn với cách thức giao thương này. Và bây giờ, khi đa số người dân có những hiểu biết căn bản về giao thương trực tuyến, cùng những bất cập mới nảy sinh, công tác này sẽ dần được siết chặt. Một trong những giải pháp được coi trọng là cung cấp kiến thức nền tảng trên diện rộng và đào tạo chuyên sâu, để hoạt động này ngày càng khoa học hơn, nhiều đóng góp tích cực hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế.

Tiêu thụ 30 tấn hành tím Sóc Trăng qua sàn thương mại điện tử(VietQ.vn) - Chỉ sau gần 10 ngày chạy Chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) thông qua sàn thương mại điện tử và chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” đã tiêu thụ được gần 30 tấn hành tím.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang