Tỉ lệ người đội mũ BH cao, tỉ lệ chấn thương sọ não cũng tăng vọt?

author 18:55 18/12/2014

(VietQ.vn) - Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới tại VN, tỷ lệ người tham gia giao thông đội Mũ không phải là Mũ bảo hiểm khá cao, trung bình khoảng 20% trên cả nước, 40% tại các thành phố lớn như Hà Nội. Mũ này không có tác dụng bảo vệ!.

Ngày 17/12 tại Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam phối hợp với Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức hội thảo vận động chính sách “Nâng cao hiệu quả các văn bản/quy định quản lý chất lượng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”.

ông Trần Văn Vinh - Phó tổng cục trưởng tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Ông Trần Văn Vinh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đến dự và phát biểu tại hội thảo. 

Mục đích của hội thảo này là rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, qua đó đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng mũ bảo hiểm.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO) đã đưa ra nhiều số liệu liên quan đến mũ bảo hiểm và hiện trạng chấn thương do tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Ông Nam nhấn mạnh, sau khi có quy định bắt buộc người tham gia giao thông bằng xe máy phải đội mũ bảo hiểm, năm 2008, số người tử vong do tai nạn giao thông đã giảm gần 1.600 người. Như vậy có thể nói, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đã góp phần làm giảm thiểu số người tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Lí do là theo thống kế năm 2010, trong số 100% số người tử vong vì tai nạn giao thông thì có tới trên 70% tai nạn do xe máy.

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay số người Việt Nam khi tham gia giao thông bằng xe máy có đội mũ bảo hiểm là khá cao, trên 90%.

TIẾN SỸ NGUYỄN PHƯƠNG NAM

TS Nguyễn Phương Nam, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam

Tuy nhiên, dựa vào các số liệu thu thập, đại diện của WHO cảnh báo, tại một số thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, số người đội mũ bảo hiểm không chuẩn (mũ lưỡi trai) chiếm tỉ lệ rất lớn. Ông Nam khẳng định: “Mũ này không có tác dụng bảo vệ cho người đội khi tham gia giao thông”.

“Những số liệu trên cho thấy, việc duy trì đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam là rất tốt nhưng tác dụng của những chiếc mũ này đối với người tham gia giao thông lại là một nghịch lý”, ông Nam gợi vấn đề.

Theo ông Nam, qua số liệu của Bộ Y tế thu thập hàng năm từ 100 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc, số người bị chấn thương sọ não nhập viện ngày càng tăng.

Năm 2010 là trên 15%. Năm 2013 là 25% (chiếm khoảng 25000 ca chấn thương sọ não).

“Điều này khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi, tại sao số người đội mũ bảo hiểm cao như thế nhưng số người bị chấn thương sọ não lại tăng lên. Vậy nguyên nhân chính phải chăng do có quá nhiều người đội mũ không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, ông Nam trăn trở.

Cũng nói về nội dung này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ đánh giá hợp chuẩn hợp quy - Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đồng tình với quan điểm mà đại diện của WHO đưa ra về thực trạng nhiều người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy chưa có ý thức tự bảo vệ sự an toàn của mình, một số bộ phận người tham gia giao thông còn sử dụng Mũ không phải là MBH với mục đích đối phó với lực lượng chức năng.

Ông Nguyễn Hoàng Linh

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ đánh giá hợp chuẩn hợp quy - Tổng Cục TCĐLCL lo ngại, nếu người dân vẫn sử dụng  Mũ không phải là MBH thì khó có thể giảm được tỷ lệ chấn thương sọ não.

Theo ông Linh, hiện nay các văn bản về quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm đã khá đầy đủ. Bên cạnh đó, trong luật đầu tư vừa được Quốc hội thông qua cũng đã chính thức đưa mũ bảo hiểm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, ý thức của người tham gia giao thông cũng hết sức quan trọng để đảm bảo sự an toàn và giảm tỷ lệ chấn thương sọ não. Vì dù văn bản quy phạm về quản lý chất lượng có đầy đủ đến đâu cũng chỉ điều chỉnh Mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy.

“Còn Mũ không phải Mũ bảo hiểm mà vẫn được sử dụng thì khó có thể giảm được tỷ lệ chấn thương sọ não như WHO tại VN đã công bố”, ông Linh nhận xét.

Trước băn khoăn của một số người dân tại buổi hội thảo trong việc làm thế nào để phân biệt được mũ bảo hiểm giả và mũ bảo hiểm thật, bà Bùi Thị Thanh Hường, trưởng phòng kinh doanh Công ty Mũ bảo hiểm Protec cho biết: “Đầu tiên chiếc mũ đó phải có tem CR và trên vỏ mũ có đề QCVN 2008. Ngoài ra, một chiếc mũ bảo hiểm bao giờ cũng có 3 lớp gồm lớp vỏ, lớp nhựa ABS, lớp xốp và khóa cùng dây tai mũ. Mũ bảo hiểm chuẩn bao giờ trên mũ cũng ghi rất đầy đủ chi tiết ngày sản xuất lô hàng, kiểm tra QC, cơ sở sản xuất, số điện thoại…”, bà Hường chia sẻ.

bà nguyễn thị thu hường công ty mũ bảo hiểm protec

Bùi Thị Thanh Hường, trưởng phòng kinh doanh Công ty Mũ bảo hiểm Protec tư vấn về cách nhận biết mũ bảo hiểm giả và mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Bên cạnh đó, bà Hường cũng khẳng định, tại các cửa hàng bán mũ bảo hiểm Protec, giá sản phẩm đều được niêm yết rõ ràng nên khách hàng không lo chuyện bị mua đắt.

Kết thúc hội thảo, nhiều kiến nghị đã được đưa ra nhằm rà soát, sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy; rà soát quy định về chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm.

Các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, công an, quản lý thị trường để giải quyết nạn kinh doanh Mũ không phải MBH; Mũ giả mạo mũ bảo hiểm; tâm lý, ý thức và thói quen đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông chủ yếu là đối phó với cơ quan công an, chưa quan tâm đến tính mạng của chính bản thân.

Do đó, các khách mời trong buổi hội thảo cho rằng, điểm quan trọng nhất là cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động người tham gia giao thông sử dụng đúng mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy để đảm bảo an toàn cho bản thân./.

Bài-ảnh: Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang