Tiền lương tối thiểu năm 2015: Có tăng lương công chức nữa không?

author 06:52 02/11/2014

Trong lúc thu ngân sách khó khăn, kiên quyết cắt giảm phần chi cho tổ chức hội nghị, hội thảo; giảm bớt số công chức "cắp ô", siêu dự án… để lấy phần tiền này chi cho tăng lương.

Tham gia đóng góp ý gần cuối phiên thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước 2014, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015 chiều 31/10, nhưng ý kiến và giải pháp “trực quan sinh động” mà ĐB Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) hiến kế đã gây sự chú ý.

Giảm chi phí hội họp, cắt “công chức cắp ô”

Tham gia “hiến kế” tăng thu cho NSNN, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) đưa ra 7 giải pháp mà theo ông là “trực quan sinh động”.

Tăng lương lương 2015, Tăng lương công chức, bảo hiểm xã hội, người lao động, bảo hiểm, cắt giảm chi phí, siêu dự án

ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh): Đời sống người lao động thu nhập thấp, người nghỉ hưu trước năm 1993 hiện đang rất khó khăn

Dẫn chứng ví dụ một tỉnh thuần nông nghiệp của Nhật Bản, có diện tích chỉ gần bằng TP.Hồ Chí Minh nhưng có năng suất lao động nông nghiệp cao gấp 150 lần Việt Nam, tổng thu ngân sách địa phương này một năm cũng bằng cả nước Việt Nam.

“Thế mới biết vai trò của nông nghiệp đất nước ta nhiều tiềm năng thì sao không sang đấy mà học, họ có công nghệ gì thì mình mua. Đừng nghiên cứu gì cả, mất thời gian. Đấy là giải pháp trực quan sinh động nhất”- ĐB Đương nói.

Nói vậy để thấy cần thay đổi nhận thức hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá trong nông nghiệp vốn vẫn được ví là “dạ dày” của cả thế giới công nghiệp hoá trong nông nghiệp quan trọng tới cỡ nào.

Đề cập tới những giải pháp chống thất thu NSNN, vị ĐB của đoàn TP.Hồ Chí Minh “hiến kế” 7 giải pháp  “trực quan sinh động”.

Thứ nhất, năm 2015 Chính phủ phải chỉ đạo địa phương chống thất thu thuế, nợ đọng thuế, nhất là gian lận và chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng (VAT). Làm tốt chỗ này thì có thể tiết kiệm được vài chục ngàn tỷ đồng.

Thứ hai, tiết giảm các khoản chi hành chính, như giảm chi cho tổ chức hội thảo, hội nghị, đi công tác nước ngoài... thì cũng tiết kiệm được vài chục ngàn tỷ đồng.

Thứ ba, phải giảm bớt bộ máy hành chính và bộ máy cơ quan khác, kể cả tổ chức đoàn thể... để giảm biên chế. Nếu tới năm 2020 mới giảm được 100.000 người thì không thấm tháp gì so với con số gần 3 triệu công chức hiện nay.

“Trong số vài triệu công chức làm công ăn lương thì có khoảng 1/3 là vô dụng, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về thì để làm gì. Phải cắt bớt số này đi không thì dân họ kêu lắm”- ĐB Đỗ Văn Đương tiếp lời.

Giải pháp “trực quan sinh động” tiếp theo mà ông Đương đưa ra, là dù luật đã có song hiện nay phải giảm bớt số người làm ở vị trí lãnh đạo xuống.

Bởi theo ông, hiện nhiều người đi học nghề lãnh đạo quá. Học làm lãnh đạo nhiều về chỉ tay năm ngón, thậm chí là chỉ Đông Tây Nam Bắc nữa. Người làm tận tuỵ thì ít còn lãnh đạo thì nhiều. Các nhà hoạch định chính sách cần xem lại chỗ này vừa để chống lãng phí, vừa thu hút trung thần tận tuỵ với đất nước thì mới phát triển được.

Đối với các địa phương nếu không kiên quyết xử lý tham nhũng thì sẽ phải chịu hình thức kỷ luật thật nghiêm. Ngược lại, địa phương nào cắt giảm được tham nhũng thì có khen thưởng xứng đáng.

Riêng với kiến nghị thu hồi tài sản sau thanh, kiểm toán ông Đương kiến nghị, phải cho phép cơ quan điều tra có giải pháp đặc biệt để giám sát tối cao và thu hồi bằng được số tài sản này.

“Hàng chục ngàn tỷ đồng nữa nằm “chôn” trong đống tài sản này, tại sao chúng ta không kiên quyết, mạnh tay thu hồi để chống lãng phí” – ông nói.

Ngoài ra, cử tri cũng mong muốn muốn biết “danh tính” những công trình, dự án lãng phí lớn để có hướng xử lý cụ thể, chống thất thu cho đất nước, nếu không thì cũng chỉ là sự “rung động trong không khí”.

“Hãy nhìn xuống mà thương lấy dân nghèo”

Bàn về chuyện nên hay không tăng lương cho người lao động tới đây, ĐB Đương nhấn mạnh, chúng ta đã “lỡ hẹn” với người lao động thì lần này nên thực hiện lời hứa để kích thích tăng năng suất lao động.

Với những giải pháp “trực quan, sinh động” vừa đưa ra, ĐB Đương đánh giá, sẽ tiết kiệm và thu được hàng chục, thậm chí là hàng trăm ngàn tỷ đồng. Số này theo ông, quá đủ dành cho chi tăng lương.

Trong trường hợp cân đối không đủ, thì cũng phải bố trí để tăng lương cho đối tượng thu nhập thấp có hệ số lương 2-3 phẩy, những người có hệ số lương thấp và người về hưu trước năm 1993.

“Hãy thương lấy người lao động phía dưới. Số này họ quá khổ, họ kêu rất nhiều. Thôi thì Chính phủ, Quốc hội dành tình cảm cho họ, bớt ăn đi để dành tiền tăng lương cho nhóm này” –ông phát biểu.

Theo Infonet


 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang