Tìm hàng Việt trên nước Việt

author 09:42 24/06/2013

Ban ngày người Việt xách giỏ vào siêu thị mua hóa mỹ phẩm Unilever, mua tủ lạnh Hàn Quốc, ti vi, xe máy Nhật, tối đến xem games show truyền hình format Mỹ và phim truyền hình Hàn Quốc.

 1. Số lượng điện thoại di động người Việt Nam hiện đang dùng là bao nhiêu? Con số này e khó thống kê nổi khi không ít người, không phải một mà sử dụng cùng lúc vài ba cái điện thoại. Có nghĩa là thị trường tiêu thụ điện thoại ở Việt Nam là vô địch. Vậy nhưng bạn có biết nhãn hiệu điện thoại nào "made in Vietnam” 100% không? Tìm câu trả lời khó như tìm đường lên giời. Mà người Việt Nam "sành điệu” nên dòng điện thoại đắt tiền nhập nguyên chiếc được tiêu thụ mạnh. Cho nên mỗi năm, không hiểu ngoại tệ có được nhờ xuất khẩu gạo và cá tra có đủ để nhập khẩu điện thoại (mà iphone chiếm lượng không nhỏ) và linh kiện, công nghệ để gia công lắp ráp điện thoại (trong nước) không?

Tương tự, ở lĩnh vực ô tô, xe máy, hàng điện tử dân dụng như ti vi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt…thậm chí, gần gũi như cái nồi cơm điện, có ai chỉ cho tôi biết có thương hiệu nào của Việt Nam 100% không?
 
Có nghĩa là mỗi ngày, mỗi giờ, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng mênh mông của các thương hiệu điện tử và công nghệ thông tin đến từ các nước khác. Sự cạnh tranh nếu có trên thị trường Việt Nam là cuộc tranh giành thị phần của những "ông lớn” trên thế giới, người Việt hoàn toàn khoanh tay ngồi xem họ quảng cáo trên kênh truyền hình quốc gia Việt Nam vào những giờ không thể "vàng” hơn.
 
 
2. Gói dầu gội đầu 1.000 đồng len lỏi về nông thôn hay xà phòng giặt, kem đánh răng đều của các thương hiệu nước ngoài. Còn cái gì dùng nhiều hơn dầu gội, xà phòng giặt, kem đánh răng mỗi ngày – nghĩa là thị phần rất lớn. Nhưng ở lĩnh vực hóa mỹ phẩm này, Việt Nam cũng trở thành thị trường bán lẻ "vĩ đại” của nhà sản xuất và phân phối siêu cao thủ là Unilever. Có chăng một đối thủ chia được chút thị phần của họ ở Việt Nam thì cũng là 1 thương hiệu quốc tế khác là P&G. Vậy là sang đến đầu thế kỷ 21 này, người Việt đã không có nổi một thương hiệu "Xà bông cô Ba” như hồi đầu thế kỷ 20?
 
3. Sẽ mất thời gian và miên man vô cùng nếu kể ra hết các nhóm sản phẩm, nhu cầu thiết yếu của con người hiện đại, văn minh thế kỷ 21 mà người Việt Nam đang miệt mài, hoan hỉ sắm sửa toàn là sản phẩm của các thương hiệu ngoại. Sẽ là mất thời gian và mất công mới tìm được một vài sản phẩm "made in Việt Nam” vốn đang chỉ "loe ngoe” bên cạnh các "ông kễnh”. Vậy thì người Việt Nam học giỏi, thông minh, đỗ đạt suốt nhiều thập kỷ qua để làm gì khi đến thời hội nhập chỉ dừng lại ở mời doanh nghiệp FDI vào và nhập khẩu.
 
Thuế nhập khẩu cho những sản phẩm như điện thoại di động đang rất thấp và được giải thích là vì, Việt Nam chưa thể sản xuất được nên đánh thuế thấp để "gián tiếp thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới thông tin và trình độ dân trí của người dân”. Vẫn biết thậm chí các nước ASEAN còn không đánh thuế nhập khẩu mặt hàng này. Nhưng chỉ cần nhập vào và hưởng lãi sẽ khiến nền sản xuất trong nước không bao giờ có thể mở mày mở mặt được.
 
Điểm mặt trên thị trường, các đại gia của Việt Nam chỉ toàn làm giàu nhờ bất động sản hoặc ngân hàng, tuyệt không có mấy ông chủ làm ra thương hiệu Việt bằng sản phẩm hàng hóa cụ thể, chí ít như Café Trung Nguyên. Nhưng ngay cả Trung Nguyên cũng đang phấp phỏng trên chính sân nhà…
 
 
4. Đi tìm những thương hiệu thuần Việt, những sản phẩm thuần Việt là một cuộc tìm kiếm thiếu lạc quan. Mở rộng ra ở lĩnh vực văn hóa, nơi mà thoạt tưởng hiển nhiên "đậm đà bản sắc dân tộc” lại cũng hoang mang không kém khi biết chọn cái gì thuần Việt bây giờ. Tối tối, trên truyền hình cũng chỉ toàn nhập khẩu và nhập khẩu. Từ "Ai là triệu phú” đến "Giọng hát Việt” hay "Master Chef”…cũng đều nhập khẩu format nước ngoài.
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí đã trở nên có "máu mặt” nhờ nhập khẩu format gamme show truyền hình. Không gì nhanh, thu lời lớn bằng đem một format chương trình đang làm mưa làm gió ở nước ngoài về. Nghe nói, lượng quảng cáo đổ vào mỗi đêm phát sóng The voice (có tên Việt là Giọng hát Việt) đang tăng lên kinh khủng, rating quảng cáo hiện đã tăng gấp đôi so với mùa trước. Bởi vậy, việc gì phải sáng tạo, việc của các công ty truyền thông bây giờ là tìm kiếm thương thảo để mua format, ai mua được người ấy thắng.
 
Trong các gameshow truyền hình format nội phát sóng giờ vàng, giờ chỉ còn mỗi "Chúng tôi là chiến sĩ” mà ngờ rằng nếu không vì mục đích ý nghĩa của chương trình, chắc nó cũng đã bị đánh bật ra khỏi khung giờ vàng tối thứ bảy mỗi tuần.
 
 
5. Nên nhớ rằng "The voice” không ra đời ở Mỹ - kinh đô của ngành công nghiệp giải trí thế giới mà được sản xuất bởi Talpa, một công ty sản xuất chương trình của Hà Lan và nó đã được nhập khẩu vào Mỹ cũng như làm mưa làm gió ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nói như thế để thấy ở nhiều nước trên thế giới, người ta đều có thể sáng tạo ra một "thương hiệu” nào đó khiến cả thế giới phải dùng. Còn chúng ta, trở thành thị trường béo bở cho cả thế giới nhắm tới. Từ ô tô, xe máy đến format games show truyền hình hay nhỏ như gói dầu gội đầu…
 
Chúng ta xuất khẩu gạo nhưng lại nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Và ngay cả gạo, ngần ấy năm xuất khẩu, có cái tên thuần Việt nào được gắn với gạo Việt Nam xuất khẩu mà khi nhắc đến thế giới sẽ biết ngay không?
 
6. Ba tháng liên tiếp vừa qua, lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam đã giảm đi đáng kể. Và ngành du lịch vội vàng triển khai một đề án mang tên gọi chiến dịch "Nụ cười Việt Nam”. Nhưng ngoài việc tìm lại nụ cười và sự thân thiện, khi đến Việt Nam khách sẽ mua gì làm quà?
 
Biên đạo múa Ea Sola Thủy khi khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài cái gì là hình ảnh đại diện của Việt Nam đã nói: "Áo dài, nón lá, cánh đồng, Hồ Chí Minh”. Những hình ảnh bà Ea Sola đưa ra đáng tự hào và đúng là mang tính biểu tượng. Và có lẽ khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam những năm qua cũng chỉ vì "Áo dài, nón lá, cánh đồng”. Đó phải chăng cũng vẫn là những hình ảnh thuần Việt nhất cho đến giờ này khi chúng ta đã bước vào gần giữa thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21. Nhưng cũng không thể mãi đem "áo dài, nón lá, cánh đồng” ra "chưng diện” nữa khi nó cũng đã nhàm.
 
Ước mơ người Việt Nam vẽ tên mình trên bản đồ thế giới bằng sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vẫn rất khiêm nhường. Và ban ngày người Việt xách giỏ vào siêu thị mua hóa mỹ phẩm Unilever, mua tủ lạnh Hàn Quốc, ti vi, xe máy Nhật, tối đến xem games show truyền hình format Mỹ và phim truyền hình Hàn Quốc.
 
Theo Đại đoàn kết
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang