Tin bão số 10: ‘Chạy đua’ ứng phó với bão giật cấp 15

authorHòa Lê 11:03 15/09/2017

(VietQ.vn) - Trước diễn biến nguy hiểm, khó lường của cơn bão số 10, các địa phương cùng các bộ ngành liên quan đã sẵn sàng “chạy đua” ứng phó hằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Bão số 10 (tên quốc tế là DOKSURI) đang di chuyển nhanh hướng về vùng biển và đất liền nước ta. Theo dự báo, bão sẽ tiếp tục mạnh lên, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 15; từ ngày 15 đến ngày 16/9 bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta với sức gió mạnh dần lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15, kèm theo nước dâng, mưa lớn trên diện rộng.

Thực hiện Công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bão số 10 năm 2017, để chủ động đối phó với diễn biến của bão, các địa phương chịu ảnh hưởng của cơn bão cùng các bộ ngành liên quan đã có những hoạt động sẵn sàng ứng phó với cơn bão mạnh nhất 10 năm qua.

Tin bão số 10: ‘Chạy đua’ ứng phó siêu bão mạnh nhất 10 năm qua

 Cơn bão số 10 diễn biến nguy hiểm, khó lường. Ảnh: NCHMF

Các địa phương

Nghệ An: Chiều ngày 13/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 7h ngày 14/9.

Hà Tĩnh: Ngày 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các huyện, thành phố, thị xã; các đơn vị liên quan dừng các cuộc họp để đôn đốc nhân dân phòng tránh bão.

Thanh Hóa: Cấm tàu thuyền ra khơi; sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn.

Thừa Thiên - Huế: Kêu gọi tàu thuyền về tránh trú an toàn trước 12h trưa ngày 14/9. Các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu muộn và diện tích nuôi trồng thủy sản.

Quảng Bình: Chiều 13/9, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường học, đơn vị chuẩn bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu trong phòng chống bão (dây thép buộc, cọc chống, nilon, đèn pin...); tiến hành việc chằng chống, che đậy nhà cửa, phòng học. Những trường học có địa bàn chia cắt khi có lũ lụt phải có kế hoạch chủ động cho học sinh nghỉ học.

Tin bão số 10: ‘Chạy đua’ ứng phó siêu bão mạnh nhất 10 năm qua

Cổng chào bằng sắt trên đường Lý Thường Kiệt (Quảng Bình) đổ sập. Ảnh: Báo Quảng Bình/ Hoàng Tử Hùng

Hà Nội: Mở hết cửa hồ điều hòa để chống ngập. Công ty Thoát nước Hà Nội đã chuẩn bị sẵn 20.000 bao tải cát, 10.000 m2 bạt chắn sóng, 30 xuồng và nhân lực sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Toàn thể Công ty chuyển sang chế độ trực ban 24/24h kể từ 10h30 ngày 13/9.

Thái Bình: Nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 10 h ngày 14/9; đến 18 h ngày 14/9, các địa phương phải hoàn tất việc kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú bão an toàn; trước 12 h ngày 15/9 hoàn tất việc sơ tán người dân sống tại các khu tập thể, nhà xuống cấp, khu vực xung yếu vào nơi an toàn.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT)

Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ Hàng hải nắm chắc số lượng tàu thuyền, phương tiện vận tải thủy đang neo đậu tại cảng, vùng nước, quanh các đảo, luồng lạch... và hướng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu an toàn. Bộ yêu cầu có báo cáo cụ thể số lượng tàu thuyền trước 24h bão đổ bộ vào bờ và chỉ đạo Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng để tham gia cứu nạn, cứu hộ khi có lệnh.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị chủ động phòng, chống, rà soát thống kê các trang thiết bị chằng néo, neo đậu tàu bay tại cảng hàng không, đảm bảo công tác bay an toàn trong mọi tình huống và có biện pháp bảo vệ các công trình nhà ga, phương tiện vận tải...

Tin bão số 10: ‘Chạy đua’ ứng phó siêu bão mạnh nhất 10 năm qua

 Ngư dân đi mua lương thực, rau củ, thịt về tàu để dùng cơm trong 2-3 ngày tới. Ảnh: Zing.vn

Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: Cầu, đường yếu dễ bị ngập nước; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thuỷ lợi, hồ chứa nước…

Lực lượng Quân đội, Công an

Sáng 14/9, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Tư lệnh Quân khu 4 cho biết Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 4 chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện cơ động làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đứng chân trên địa bàn khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác chuẩn bị, giảm thiên tai cho nhân dân khi bão đổ bộ.

BĐBP các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình duy trì 100% quân số, kiểm tra phương tiện, thiết bị di chuyển xuống địa bàn bảo đảm mọi công tác chuẩn bị trước khi bão đổ bộ.

Tại Hà Tĩnh, Chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Hà Tĩnh đã điều động 80 cán bộ, chiến sĩ cơ động về các địa bàn trọng điểm, giúp người dân làm công tác chuẩn bị ứng phó bão số 10.

Tối 13/9, Trung tướng Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Bộ Công an đã gửi công điện tới các lực lượng liên quan các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các tỉnh miền núi phía bắc, Công an TP. Hà Nội yêu cầu chủ động ứng phó với bão số 10.

Tin bão số 10: ‘Chạy đua’ ứng phó siêu bão mạnh nhất 10 năm qua

Bộ đội Biên phòng Nghệ An giúp dân neo đậu tàu, thuyền tránh bão. Ảnh: QĐND 

Điện lực miền Bắc

Trước diễn biến nguy hiểm, khó lường của cơn bão số 10, đại diện Ban chỉ huy PCTT & TKCN Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết: Hiện nay các đơn vị thuộc EVNNPC đã sẵn sàng các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra cho hệ thống lưới điện.

Bảo đảm cung cấp điện, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng lao động của đơn vị, tài sản lưới điện, công trình và an toàn điện cho nhân dân. EVNNPC cũng khuyến cáo các đơn vị không di chuyển qua các đập tràn khi có lũ.

Các Công ty Điện lực phối hợp với Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương có phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng như Ban chỉ huy PCTT&TKCN, Uỷ ban nhân dân, trạm bơm, bệnh viện, cơ quan truyền thông… Ngoài ra đơn vị thuộc EVNNPC phải tổ chức theo dõi, kiểm tra và gia cố các vị trí xung yếu có nguy cơ sự cố, sạt lở gây mất an toàn trong quản lý vận hành.

Các Công ty thuỷ điện có cổ phần của EVNNPC phải thực hiện kiểm tra lưu lượng nước về đập, hồ chứa, kênh máng, ống dẫn…, để bảo đảm an toàn trong công tác quản lý vận hành của các nhà máy.

Các Ban Quản lý dự án của EVNNPC phải kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ, tổ chức phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình.

Ngay trong sáng 14/9, Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN EVNNPC đã tổ chức 3 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại các Công ty Điện lực tỉnh và Chi nhánh lưới điện cao thế miền Bắc gồm: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thủy điện Hố Hô (Quảng Bình).

Đại diện Ban chỉ huy PCTT&TKCN Công ty Điện lực các tỉnh Bắc Trung Bộ như Thanh Hóa, Nghệ An, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc cho biết: Hiện nay, đơn vị đã bố trị lực lượng ứng trực 24/24 sẵn sàng phòng chống bão, nghiêm túc triển khai Công điện về phòng chống bão số 10 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, ủy ban Quốc gia về Tìm kiếm cứu nạn, Ban chỉ đạo PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Sáng nay, đơn vị cũng đã tổ chức họp khẩn và phân công lịch trực lãnh đạo, cán bộ công nhân người lao động, bảo đảm mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng các vật tư, thiết bị dự phòng, thông tin liên lạc... để xử lý nhanh, kịp thời các sự cố của bão số 10 gây ra thiệt hại trên lưới điện.

Thực hiện Công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với bão số 10 năm 2017, để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng yêu cầu các đơn vị:

Theo dõi thường xuyên bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương về cơn bão số 10 để ứng phó kịp thời;

Bố trí lực lượng kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị tại cơ quan, chủ động chống ngập, tràn đường vào cơ quan;

Kiểm tra các cửa chính, cửa sổ, đường điện, đèn chiếu sáng, mái nhà và các vật dụng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản cơ quan;

Hạn chế việc vận hành thiết bị điện, sửa chữa nhà xưởng trong thời gian có mưa bão.

Tổng cục yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị đôn đốc và bố trí lực lượng tại các đơn vị, để kịp thời xử lý và ứng phó trong mọi tình huống.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang