Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất trong ngày 1/4/2020

author 12:24 01/04/2020

(VietQ.vn) - Tính đến sáng 1/4 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 854.269 người mắc Covid-19, 42.025 ca tử vong, và mới có 176.908 trường hợp khỏi bệnh này.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Sáng nay (1/4), Việt Nam ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam lên 212 người. Trong 5 ca mắc mới, có 1 ca là nhân viên Công ty Trường Sinh, 1 ca bị nhiễm bệnh trong cộng đồng và 3 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 212 ca. 58 ca đã khỏi bệnh/xuất viện. 154 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế. Đa số trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Trong số này, hôm nay- ngày 01/4 đã có 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận được công bố khỏi bệnh, chuyển cơ sở khác theo dõi sức khoẻ, cách ly theo quy định (BN 61 và BN 67).

Hai nguồn ổ dịch lớn nhất được xác định là từ Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha. Cụ thể, đến nay đã có ít nhất 24 người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là nhân viên của công ty Trường Sinh, trong tổng số 34 người nhiễm bệnh được bộ Y tế công bố có liên quan đến ổ dịch bệnh viện Bạch Mai.

Tương tự với bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, quán bar Buddha ở Tp.Hồ Chí Minh cũng là ổ dịch được xác định tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan tại Việt Nam. Đến nay đã có ít nhất 15 người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam có liên quan đến quán bar Buddha.

Hiện tổng số ca bình phục là 58, trong đó:

- 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

- 42 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 31/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN22, BN23, BN24, BN27, BN29, BN22, BN33, BN35, BN39, BN46, BN47, BN49, BN51, BN53, BN54, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN62, BN64, BN66, BN69, BN70, BN71, BN75, BN77, BN79, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN110, BN112, BN113, BN130, BN140, BN187

Chính thức thực hiện cách ly toàn xã hội

Hôm nay 1/4 là ngày chính thức thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Cách ly xã hội theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Chỉ thị yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

Bộ Giao thông Vận tải cũng có công văn hỏa tốc yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam thông báo các hãng hàng không dừng vận chuyển khách đến Việt Nam kể từ 0 giờ ngày 1/4 đến hết ngày 15/4. Theo đó, từ 0h ngày 1.4 đến hết ngày 15.4, tất cả cáchãng hàng không trong và ngoài nước phải tạm dừng vận chuyển hành khách đến Việt Nam.

Việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam không áp dụng với khách nhập cảnh có mục đích ngoại giao, công vụ, khách nước ngoài tham dự hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và các trường hợp đặc biệt được sự đồng ý của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Covid-19.

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Theo trang thống kê toàn cầu Worldometer, tính đến 5h46 ngày 1/4/2020 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có 854.269 người mắc Covid-19, 42.025 ca tử vong, và mới có 176.908 trường hợp khỏi bệnh này.

Như vậy, tính đến nay, số người chết do bệnh Covid-19 (gây ra bởi virus corona chủng mới SARS-CoV-2) đã vượt mốc 40.000 và số ca mắc bệnh này cũng đã gấp số ca phục hồi tới hơn 4,8 lần.

So với số liệu cũng của Worldometer vào thời điểm 23h41 ngày 31/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã chứng kiến thêm tới 29.740 ca mắc mới và 1.353 ca tử vong mới, cho thấy tốc độ lây lan và hậu quả khủng khiếp của đại dịch Covid-19.

Theo đó, các nước chịu ảnh hưởng mạnh của tư tưởng miễn dịch cộng đồng kiểu tự nhiên như Hà Lan, Anh, và Đức đều ghi nhận số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong do Covid-19 ở mức rất cao.

Mỹ: Số ca tử vong vượt Trung Quốc

Đến nay, Mỹ đã ghi nhận 186.046 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 3.807 người thiệt mạng. Số ca thiệt mạng vì nCoV ở Mỹ đã chính thức vượt số ca ở Trung Quốc, nước khởi nguồn của dịch Covid-19.
Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo về hai tuần "đau thương" và "khó khăn" trước mắt, khi mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc. Ngay cả khi thực hiện quyết liệt, vẫn có thể có hơn 100.000 đến 240.000 người Mỹ chết vì dịch Covid-19.

"Đây sẽ là hai tuần rất đau thương. Tôi muốn mọi người Mỹ chuẩn bị cho những ngày khó khăn ở phía trước”, Tổng thống Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 31/3.

Bang New York vẫn là tâm điểm dịch bệnh tại Mỹ với 1.550 ca tử vong, phần lớn tại khu vực thành phố New York.

Trong ngày 30/3, tàu quân y USNS Comfort của Hải quân Mỹ với 1.000 giường bệnh đã được triển khai tới New York.

Từ ngày 31/3, tàu quân y này sẽ tiếp nhận điều trị bệnh nhân không nhiễm Covid-19 ở thành phố để giúp giảm tải hệ thống y tế.

Italy: Dịch đã đạt đỉnh

Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Ý Silvio Brusaferro ngày 31/3 cho rằng, dựa vào đường cong dịch COVID-19 thì dịch tại nước này đã lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, ông Brusaferro khẳng định đây không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Ý ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy hôm 31/3 cho biết số ca tử vong vì virus corona ở nước này tăng 837 trường hợp, nâng tổng số lên 12.428.

Con số này cho thấy sự tăng lên ngày thứ hai liên tiên về số người tử vong mới ở tâm dịch của châu Âu.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới được ghi nhận là 4.053, cũng tăng nhẹ so với 4.050 ca nhiễm mới ghi nhận một ngày trước đó. Tổng số ca nhiễm ở Italy hiện lên tới 105.792.

Chính phủ Italy đã ban lệnh phong tỏa chưa từng có từ ba tuần trước nhằm ngăn Covid-19 lây lan, sau đó quyết định kéo dài biện pháp này ít nhất tới giữa tháng 4.

Tây Ban Nha xác nhận thêm 7.967 ca nhiễm và 748 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt 95.923 và 8.464, vượt qua Trung Quốc để trở thành vùng dịch lớn thứ ba thế giới.

Tây Ban Nha tự hào vì sở hữu một trong những hệ thống y tế hàng đầu, thậm chí từng được xếp hạng quốc gia khỏe mạnh nhất thế giới, theo nghiên cứu Bloomberg công bố năm ngoái. Tuy nhiên, hình tượng này đã bị Covid-19 "xô đổ", với một loạt vấn đề như thiếu bệnh viện, giường chăm sóc đặc biệt, kit xét nghiệm và thiết bị y tế cơ bản.

Madrid đang tìm cách tăng cường xét nghiệm, thu thập nguồn kit từ khắp nơi trên thế giới, với mục tiêu xét nghiệm 50.000 người/ngày, thay vì mức 20.000 hiện nay. Giới chức cũng đặt hàng số vật tư trị giá hàng triệu USD nhằm cung cấp cho hệ thống y tế đang bên bờ vực sụp đổ.

Anh ngày 31/3 đã ghi nhận 381 ca tử vong trong vòng 24h, con số tử vong cao nhất ở nước này kể từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi trong mùa dịch này lên 1.789 người.

Pháp: Ca tử vong tăng cao kỷ lục

Theo ông Jérôme Salomon, người đứng đầu cơ quan y tế Pháp, số ca tử vong tại Pháp đă tăng lên 499 trường hợp vào hôm 31/3, nâng tổng số người tử vong vì Covid-19 tại nước này lên 3.523 trường hợp.

Pháp cũng ghi nhận tổng cộng 52.128 ca nhiễm virus corona, tăng thêm 7.578 trường hợp so với một ngày trước đó.

Thêm 1.749 người phải nhập viện tại Pháp, nâng tổng số người nhập viện vì Covid-19 tại nước này lên 22.757.

Ông Salomon cũng cho biết 478 người tại Pháp phải chuyển vào các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) vào ngày 31/3. Pháp hiện có 5.565 người đang ở trong các ICU trên cả nước.

Pháp đã bước vào tuần thứ ba thực hiện các biện pháp phong tỏa và hạn chế để ngăn virus lây lan. Bệnh nhân Pháp tiếp tục được sơ tán khỏi các bệnh viện ở vùng Grand-Est. Các bệnh viện tại đây đã "quá tải" với bệnh nhân Covid-19. Một số bệnh nhân đã đưa đến Đức bằng máy bay trực thăng hôm 31/3.

Grand-Est là khu vực chịu ảnh hưởng của Covid-19 tồi tệ thứ hai tại Pháp sau Ile-de-France, tức khu vực Paris. Có khoảng 2.000 người cần vào ICU tại Ile-de-France. Khu vực này chỉ có khoảng 1.200 giường chăm sóc đặc biệt.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi đoàn kết dân tộc và nói rằng những người không tán thành hành động của chính phủ và chính quyền là những người "vô trách nhiệm".

Hoài Thu (th)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang