Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất trong ngày 30/3/2020

author 10:54 30/03/2020

(VietQ.vn) - Tính đến sáng 30/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 720.217 trường hợp nhiễm covid-19, trong đó 33.903 trường hợp tử vong. Italy là quốc gia có số ca tử vong nhiều nhất thế giới với 10.779 người.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Tính đến 10 giờ sáng nay (30/3), Việt Nam ghi nhận 194 ca nhiễm.

+ 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

+  09 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 29/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN18, BN22, BN23, BN33, BN35, BN65, BN66, BN79, BN90

-Trong số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam có: 59 người bị lây nhiễm từ nguồn trong nước; 135 người đến/trở về Việt Nam từ nước ngoài (56 người đến/trở về từ Anh, 18 người đến/trở về từ Pháp, 8 người đến/trở về từ Malaysia, 6 người đến/trở về từ Tây Ban Nha, 11 người đến/trở về từ Mỹ, 7 người đến/trở về từ Thái Lan, số còn lại từ những nước khác).

Từ ngày 18/3 đến nay, liên tiếp ghi nhận các ca mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Bộ Y tế đã xác định Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch lớn, nguy hiểm.  Hiện số ca mắc COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai là 24 ca trong đó có 4 ca là cán bộ, nhân viên của bệnh viện, 20 ca liên đới.

Bệnh viện Bạch Mai tiến hành các biện pháp kiểm soát, tạm dừng đón tiếp bệnh nhân và thực hiện việc cách ly toàn bệnh viện để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên bệnh viện.

Tối 28/3, Binh chủng Hoá học (Bộ Quốc phòng), Trung tâm Ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân miền Bắc đã phun hoá chất tẩy độc, khử trùng.

Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Tính đến sáng nay (30/3), theo thống kê của trang Worldometers, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 720.217 trường hợp, trong đó 33.903 trường hợp tử vong.

Số ca nhiễm bệnh đã phục hồi là 150.918 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 199 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Mỹ: Số ca nhiễm vượt 135.000

Mỹ đã vượt qua cả Italy và Trung Quốc trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Đến sáng sớm 30/3, ít nhất 135.738 người trên tất cả bang của Mỹ và thủ đô Washington, D.C. đã dương tính với virus, theo thống kê của New York Times. Ít nhất 2.391 người đã tử vong. Ít nhất 20 bang đang có trên 1.000 ca nhiễm bên trong ranh giới của mình.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/3 thông báo sẽ kéo dài việc thực hiện chỉ thị "giãn cách xã hội" tới ngày 30/4 nhằm ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 tại Mỹ.

Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng cho biết số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Mỹ được dự đoán sẽ lên tới mức cao nhất trong 2 tuần tới.

Theo ông, giai đoạn đỉnh của dịch sẽ rơi vào lễ Phục sinh 12/4. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng bày tỏ hy vọng nước Mỹ sẽ bắt đầu phục hồi từ ngày 1/6.

Italy, ngày 29/3 nước này ghi nhận thêm 5.217 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 97.689 trường hợp.

Trong đó, số ca tử vong là 10.779 trường hợp (tăng 756 ca). Số bệnh nhân điều trị thành công là 13.030 trường hợp (tăng 646 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 27.386 ca nhập viện với các triệu chứng, 3.906 ca phải điều trị tích cực và 42.588 trường hợp phải cách ly tại nhà.

Tại vùng tâm dịch Lombardia, tổng số ca nhiễm bệnh được ghi nhận là 41.007 trường hợp (tăng 1.592 ca). Số ca tử vong tăng 416 trường hợp, nâng tổng số ca tử vong của vùng này lên 6.360 trường hợp.

Trong tổng số 11.613 ca nhập viện, có 1.328 trường hợp phải điều trị tích cực. Cơ quan y tế vùng cho biết số giường bệnh điều trị tích cực hiện đảm bảo 1.600 giường, tăng 140% so với khởi điểm 700 giường bệnh.

Tây Ban Nha đã công bố thêm 821 ca tử vong mới do dịch bệnh COVID-19 trong 24h qua. Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 29-3 cho biết tổng số ca tử vong tại nước này do dịch COVID-19 hiện đã lên tới 6.803 trường hợp, trong khi đó tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng đã tăng lên 80.110.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo sẽ siết chặt các biện pháp hạn chế đi lại, theo đó những lao động làm việc trong ngành dịch vụ không thiết yếu sẽ phải ở nhà trong 2 tuần. Ông Sanchez cho biết các lao động thuộc diện này sẽ vẫn được hưởng lương như bình thường nhưng muộn hơn. Biện pháp trên dự kiến có hiệu lực từ ngày 30-3 – 9-4 tới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Sanchez hối thúc EU hành động và kêu gọi khối này đưa ra "chiến lược thống nhất về xã hội và kinh tế".

Ông Sanchez cũng kêu gọi EU phát hành các trái phiếu phục hồi, cho rằng các nền kinh tế thành viên phải cùng chia sẻ gánh nặng nợ công nhằm đối phó với dịch COVID-19.

Đức, ghi nhận 62.095 ca nhiễm, số ca tử vong là 533 trường hợp.

Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lothar Wieler ngày 29/3 cho rằng rất có khả năng các bệnh viện ở Đức sẽ quá tải trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Chuyên gia này không loại trừ khả năng dịch bệnh COVID-19 sẽ đẩy hệ thống y tế Đức tới giới hạn và rất nhiều bệnh nhân nặng sẽ cần tới máy thở trong các bệnh viện, hoàn cảnh giống như đã diễn ra ở Ý.

Theo ông Koch, tỷ lệ tử vong thấp ở Đức là do đa số những người nhiễm không thuộc nhóm người có nguy cơ gặp nguy hiểm, song nếu tình trạng lây nhiễm xảy ra với các nhà dưỡng lão hay bệnh viện, số ca tử vong sẽ tăng mạnh.

Pháp, tính đến 6 giờ sáng ngày 30/3 (giờ Việt Nam), Pháp ghi nhận 40.174 ca mắc COVID-19 và tổng số ca tử vong là 2.606 ca.

Ngày 29/3, Pháp đã sơ tán thêm 36 bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ vùng dịch ở phía Đông tới các bệnh viện ở phía Tây nước này để "giải phóng" một số khoa điều trị tích cực trong bối cảnh các bệnh viện sẽ phải tiếp nhận thêm nhiều ca mắc COVID-19 nặng trong những ngày tới.

Tuần trước, Pháp đã sơ tán hàng chục bệnh nhân COVID-19 từ khu vực phía Đông, nơi dịch bệnh bùng phát mạnh với hy vọng ngăn chặn được cuộc khủng hoảng mà Thủ tướng Edouard Philippe cảnh báo sẽ trở nên trầm trọng hơn trong 2 tuần tới.

Hiện Pháp có tổng số gần 4.300 bệnh nhân COVID-19 đang được chăm sóc tích cực, trong đó nhiều ca gặp vấn đề về đường hô hấp cần phải có máy thở, thiết bị y tế có thể thiếu trầm trọng nếu các ca nhiễm bệnh tiếp tục gia tăng.

 Hoài Thu (th)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang