Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 28/11

author 08:46 28/11/2014

(VietQ.vn) - Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 28/11 đề cập đến những sự kiện nóng nhất bao gồm Chuyên gia khoa học nhận lương khủng mỗi tháng, Thử nghiệm thuốc có thể giúp con người sống 120 năm, Nhiên liệu tên lửa từ phân người,…

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 28/11 trong nước

Chuyên gia khoa học có thể nhận lương 150 triệu mỗi tháng ở TP.HCM

Theo những tin tức khoa học mới nhất trên báo chí, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà vừa ký quyết định thí điểm chương trình thu hút nhân tài trong lĩnh khoa học, công nghệ. Lương dành cho chuyên gia có thể lên đến 150 triệu đồng một tháng, số tiền chi trả lấy từ ngân sách nhà nước.

4 đơn vị nằm trong diện thí điểm gồm Viện Khoa học Công nghệ tính toán, Trung tâm Công nghệ Sinh học, Khu Công nghệ cao và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. Chuyên gia được tuyển dụng sẽ nhận nhiều chế độ ưu đãi về đi lại, phụ cấp. Mức lương dựa theo thỏa thuận giữa chuyên gia với thủ trưởng các đơn vị. Trong chương trình thí điểm, Phó Chủ tịch UBND TP cũng nêu rõ, mức lương áp dụng cho chuyên gia không vượt 150 triệu một tháng.

Việt Nam áp dụng nhiều chế độ ưu đãi thu hút chuyên gia khoa học công nghệ cao

Việt Nam áp dụng nhiều chế độ ưu đãi thu hút chuyên gia khoa học công nghệ cao. Ảnh minh họa

Để được tuyển dụng vào chương trình, các chuyên gia phải có học vị tiến sĩ, chuyên ngành đào tạo phù hợp với hoạt động của từng đơn vị trong diện thí điểm. Có sáng chế được nhà nước công nhận, có chương trình nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ cao. Có bài, công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới.

Với người có trình độ thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, ngoài những tiêu chí trên, phải đòi hỏi có kinh nghiệm quản lý, đào tạo, tư vấn trong các vấn đề liên quan đến hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ, thành thạo trong vận hành dây chuyền, thiết bị.

Các chuyên gia khoa học và công nghệ muốn vào chương trình thí điểm phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ...

Chàng trai có nhiều giải thưởng lập trình quốc tế

Với niềm đam mê tin học từ nhỏ, Lê Yên Thanh, hiện là sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đang sở hữu nhiều giải thưởng có giá trị trong lĩnh vực lập trình tin học.

Thanh đã tạo ra những phần mềm cho trường THPT, có tính ứng dụng cao như Quản lý nền nếp học sinh, Quản lý thư viện trường và Quản lý tuyển sinh. Phần mềm quản lý nền nếp học sinh được thiết kế hiệu quả với bảng xếp hạng hằng tuần các lớp, thống kê vi phạm và xếp hạnh kiểm cho từng học sinh. 

Lê Yên Thanh là một trong những gương mặt trẻ sáng giá trong làng công nghệ Việt Nam

Lê Yên Thanh là một trong những gương mặt trẻ sáng giá trong làng công nghệ Việt Nam. Ảnh Thanh Niên

Chỉ trong 3 năm học THPT, Thanh đã mang về cho trường nhiều giải thưởng tin học cấp quốc gia, đặc biệt là đạt danh hiệu thủ khoa toàn quốc cuộc thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học năm học 2011 - 2012 và được tuyển thẳng vào Khoa Công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Bước vào môi trường đại học, sau những bỡ ngỡ ban đầu, Thanh đã bắt tay vào nghiên cứu và cho ra đời phần mềm “Busmap - bản đồ xe buýt” mang đi dự thi và đã đoạt giải nhất tại Hội thi Tin học trẻ TP.HCM. Thanh cho hay sản phẩm này được chuyển giao cho Sở Giao thông vận tải  TP.HCM để triển khai ứng dụng.

Ngoài việc tạo ra những sản phẩm, phần mềm có tính ứng dụng cao, Thanh còn tích cực viết những bài báo khoa học chuyên ngành tham dự các hội nghị khoa học quốc tế. Cụ thể, Thanh đã có một bài báo đăng tại hội nghị về lập trình quốc tế ở Hy Lạp, được tham dự trình bày một nghiên cứu tại Singapore.

Tin tức khoa học công nghệ mới nhất hôm nay ngày 28/11 thế giới

Các nhà khoa học có thể tạo ra bộ nhớ có kích thước phân tử

Một đội ngũ các nhà nghiên cứu thuộc nhiều quốc gia khác nhau đã vừa thành công trong việc dồn 1 lượng dữ liệu nhất định vào trong một số phân tử. Thực ra, thiết bị này có kích thước bằng ba phân tử bình thường và được tạo ra từ 2 phân tử lưu giữ các electron có chứa dữ liệu, và 1 phân tử thứ 3 có tác dụng như 1 cái lồng bao bọc 2 phân tử trên. Một cách cụ thể hơn, chiếc USB này có kích thước chưa đến 1 nanomet mỗi chiều.

Những chiếc USB trong tương lai sẽ có kích thước của phân tử

Những chiếc USB trong tương lai sẽ có kích thước của phân tử. Ảnh minh họa

Trong nghiên cứu này, họ sử dụng một phân tử tungsten đóng vai trò như chiếc lồng chứa và 2 phân tử selenium trioxide để lưu giữ thông tin. Cách thiết kế này đã tạo ra bất ngờ khi vẫn giữ vững tính ổn định ở nhiệt độ 6000C và lưu giữ được dữ liệu trong suốt 336 tiếng đồng hồ.

Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và làm thiết bị hoạt động hiệu quả hơn, họ cần 1 dòng điện có cường độ lớn hơn những gì họ đang có. Nếu mô hình này có thể đi vào hoạt động, họ có thể đẩy tốc độ dẫn truyền dữ liệu lên mức pico giây (một phần ngàn tỷ của một giây). 

Đây là lần đầu tiên một thiết bị có kích thước phân tử đơn lẻ có khả năng lưu giữ thông tin và hoạt động được một cách độc lập. Có thể trong tương lai sắp tới, mỗi một tế bào trong cơ thể của chúng ta sẽ được chuyển thành một ngăn bộ nhớ với khả năng truy xuất dữ liệu siêu tốc.

Nga thử nghiệm thuốc có thể giúp con người sống 120 năm

Các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu và thử nghiệm loại thuốc có tác dụng chống lại quá trình lão hóa, hy vọng có thể cho phép con người sống đến 120 năm.Các nhà khoa học của Đại học Moscow thử nghiệm công thức mới trên cơ thể động vật gặm nhấm, cá và chó. Theo kết quả nghiên cứu, nó có tác dụng trì hoãn sự bắt đầu của quá trình lão hóa và khiến một số bệnh lão hóa có tốc độ phát triển chậm hơn.

Trường sinh bất lão luôn là mơ ước ngàn đời của con người

Trường sinh bất lão luôn là mơ ước ngàn đời của con người. Ảnh Telegraph

Theo tiến sĩ Maxim Skulachev, loại thuốc này được phát triển bằng cách "sử dụng một loại chất chống oxy hóa mới", tác động đến ty thể - trung tâm năng lượng hay nơi chuyển hóa chất hữu cơ thành năng lượng mà tế bào có thể sử dụng. Ty thể được coi là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lão hóa. Giới khoa học từng cho rằng chúng có liên quan đến các cơn đau tim, bệnh Alzheimer và Parkinson.

Được biết, nghiên cứu hướng tới mục tiêu có thể cho phép con người sống đến 120 năm và việc tạo ra một loại thuốc chống lão hóa là "có thể về mặt kỹ thuật". Các thử nghiệm không làm tăng tuổi thọ của con người một cách đáng kể, mà trì hoãn sự bắt đầu lão hóa.

NASA phát triển nhiên liệu tên lửa từ phân người

Các nhà khoa học đang làm việc với Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) để phát triển một hệ thống tái sử dụng phân của các phi hành gia tại trạm trên Mặt trăng. Họ cho biết hệ thống này có thể sản xuất đủ nhiên liệu cho hành trình trở về Trái đất.

“Chúng tôi đang cố gắng tính toán lượng khí mê tan có thể được tạo ra từ thức ăn thừa, thực phẩm đóng hộp và phân của các phi hành gia”, Pratap Pullammanappallil, chuyên gia về sinh vật học và nông nghiệp tại trường đại học Florida, cho biết. “Khí mê tan có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho tên lửa trở về Trái đất từ Mặt trăng”.

Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu hệ thống có thể tái chế phân người trên Mặt trăng thành nhiên liệu cho tên lửa

Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu hệ thống có thể tái chế phân người trên Mặt trăng thành nhiên liệu cho tên lửa. Ảnh minh họa

Ông Pullammanappallil cho biết NASA đã bắt đầu bằng việc cung cấp cho các nhà khoa học tại trường đại học Florida dạng đóng gói của rác trên hành trình của tàu vũ trụ, bao gồm phân người, thực phẩm thừa, khăn tắm, quần áo và vật liệu đóng hộp.

Sau khi kiểm tra trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của ông Pullammanappallil phát hiện quá trình tái chế số rác trên có thể tạo ra khoảng 290 lít khí mê tan mỗi ngày và chúng có thể sinh khí mê tan trong vòng 1 tuần. Quá trình này cũng tạo ra khoảng hơn 750 lít nước sạch hàng năm.

Thông qua quá trình điện phân, nước sau đó có thể được tách thành hyđrô và ôxy. Các phi hành gia có thể sử dụng ôxy để thở như một hệ thống dự phòng. Trong khi đó hyđrô có thể kết hợp với CO2 để tạo thành khí mê tan và nước. Ngoài ra, quy trình này có thể được áp dụng trên Trái đất tại các trường đại học hay bất cứ đâu để biến rác thành nhiên liệu.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang