Vừa rời Việt Nam, ông Tập Cận Bình lại ‘nhận vơ’ chủ quyền Biển Đông

author 18:06 07/11/2015

(VietQ.vn) - Vừa rời Việt Nam và sang thăm Singapore vào sáng 7/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngang nhiên khẳng định rằng ‘các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ xưa’.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức về tình hình Biển Đông mới nhất hôm nay, phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) sáng 7/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngang nhiên khẳng định rằng ‘các đảo ở biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc từ thời cổ xưa’. Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn báo Straits Times cho biết, ông Tập trắng trợn tuyên bố các đảo ở Biển Đông thuộc Trung Quốc cổ xưa, do đó Bắc Kinh phải “giữ gìn chủ quyền và lợi ích biển của mình” (?).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay tại Đại học Quốc gia Singapore ngày 7/11

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu về tình hình Biển Đông hiện nay tại Đại học Quốc gia Singapore ngày 7/11

Ngay sau đó, ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc đang tìm cách giải quyết những vấn đề tồn tại giữa họ và các nước đang “chiếm một số đảo” (?) (dù những đảo này trên thực tế không thuộc chủ quyền của Trung Quốc) ở Biển Đông thông qua đối thoại hòa bình. Chủ tịch Trung Quốc cam kết rằng: “Sẽ không bao giờ có vấn đề gì về tự do hàng hải ở Biển Đông hoặc quyền bay trên khu vực này".

Cũng trong bài phát biển tại NUS, ông Tập nói điểm bắt đầu và mục đích cơ bản trong chính sách về Biển Đông của Trung Quốc là duy trì hòa bình và ổn định. Người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh cho rằng môi trường ổn định cho sự phát triển là “lợi ích chung của tất cả các nước châu Á”. Tất cả các quốc gia châu Á hiện nay đang đứng trước nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo sự phát triển mạnh và bền vững, điều này đang đòi hỏi một môi trường hòa bình và ổn định.

“Đây là lợi ích chung của các nước châu Á. Các nước ngoài châu Á nên hiểu và tôn trọng điều này và nên đóng vai trò xây dựng” - ông Tập nói. Chủ tịch Trung Quốc còn “khuyên” các nước châu Á nên phối hợp để giữ hòa bình và ổn định. “Chúng ta không bao giờ để sự thù hận chia rẽ mình”- ông Tập nói trước các sinh viên và đại biểu tại NUS.

Giới chức Trung Quốc đã không ít lần trắng trợn ‘nhận vơ’ chủ quyền Biển Đông

Giới chức Trung Quốc đã không ít lần trắng trợn ‘nhận vơ’ chủ quyền Biển Đông

Đáng chú ý, tuyên bố này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm chính thức Singapore trong hai ngày 6 và 7/11, tức là ngay sau khi chuyến thăm và làm việc của ông Tập tại Việt Nam kết thúc.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trưởng đoàn Việt Nam dự hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAM 12 tại Luxembourg đã nêu việc thúc đẩy đối thoại, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, theo thông tin trên báo Vietnamnet.

Trong hai ngày diễn ra hội nghị 5 và 6/11 tại Luxembourg, Việt Nam đã nêu bật các vấn đề của hai châu lục hiện nay cũng như đề xuất các sáng kiến hợp tác. Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu vấn đề Biển Đông ra hội nghị ASEAM 12 tại Luxembourg

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu vấn đề Biển Đông ra hội nghị ASEAM 12 tại Luxembourg

“Song những diễn biến đáng lo ngại gần đây ở Biển Đông cho thấy khu vực đang tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất ổn định và làm xói mòn lòng tin giữa các quốc gia, tác động sâu sắc đến môi trường an ninh, phát triển, tự do hàng hải và hàng không và trao đổi thương mại ở khu vực và giữa các châu lục”, trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh thông điệp trong các phát biểu tại phiên họp.

Ông cho rằng, để duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, châu Á – Thái Bình Dương và toàn thế giới, cần thúc đẩy đối thoại, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Minh Thùy (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang