Tình hình biển Đông ngày 20/7: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gây chú ý cho truyền thông Trung Quốc

author 06:14 20/07/2014

Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh đến bài học bảo vệ chủ quyền quốc gia, gây chú ý cho truyền thông Trung Quốc

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trong bối cảnh Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo trước các hành động khiêu khích, xâm lược gần đây của Trung Quốc, nhất là sự kiện Trung Quốc vừa rút giàn khoan 981 khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam, báo chí Trung Quốc đã và đang đặc biệt quan tâm tới các hoạt động có liên quan của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Đáng chú ý, tờ “Nhật báo Trung Quốc” ngày 18 tháng 7 đã đăng lời phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi lễ kỷ niệm tròn 60 năm ngày ký kết Hiệp định Geneva với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao Việt Nam. Bài phát biểu tập trung vào nêu bật những bài học chống chủ nghĩa thực dân, đấu tranh giành độc lập tự do, bảo vệ thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Bài viết cho rằng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục phát huy kinh nghiệm của hội nghị Geneva năm 1954, thực hiện tốt 4 nhiệm vụ chủ yếu trong lĩnh vực đối ngoại. 4 nhiệm vụ chủ yếu đó là:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo toàn diện và thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân và giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, cũng như giữa đối ngoại với kinh tế, quốc phòng và an ninh; tạo thành một thể thống nhất thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, tiếp tục giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác cùng phát triển; lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu và nguyên tắc cao nhất; đấu tranh không khoan nhượng với các thế lực mưu toan xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng những cam kết khu vực và luật pháp quốc tế.

Ba là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời thực hiện nhất quán phương châm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển”.

Bốn là, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc thực hiện đường lối và các chủ trương, chính sách đối ngoại không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành đối ngoại mà trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có phẩm chất chính trị và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cần nâng cao năng lực và ý thức của tất cả các tổ chức, cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân trong xử lý những vấn đề liên quan hoặc có yếu tố nước ngoài, tạo lòng tin và tình cảm tốt đẹp của nhân dân các nước đối với Việt Nam, cùng góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.

Đan Nguyên (theo Giáo dục VN)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang