Trái cây nhập khẩu loạn giá: Đâu là hàng xịn?

author 06:30 23/09/2016

(VietQ.vn) - Tin tưởng chất lượng, NTD “bấu víu” vào các loại trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Mỹ, Úc,… Thế nhưng, niềm tin của người tiêu dùng có đặt nhầm chỗ?

 Trái cây gắn mác ngoại được bán với giá "thượng vàng hạ cám', mỗi nơi một giá

'Ma trận" giá trái cây nhập khẩu

Khảo sát tại một số cửa hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu và các siêu thị như: Klever Fruit, Big C, Metro, Hapro… hoa quả nhập khẩu có hàng chục loại với nhiều sản phẩm khá lạ lẫm với người tiêu dùng trong nước như: Dưa Sapo, lê Nashi, táo Rubi. Chỉ riêng tại hệ thống siêu thị Big C, các mặt hàng táo đã có đến gần 10 loại với giá dao động từ 69.900 – 103.900 đồng/ kg. Tuy nhiên, tại chợ Long Biên – chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội, giá cả những mặt hàng trái cây nhập khẩu lại rẻ bất ngờ. Ví dụ một thùng táo Envy loại 5kg tại đây chỉ có 600 ngàn đồng/ thùng; cam đỏ Úc thùng 14kg chỉ 800 ngàn đồng/ thùng; nho Mỹ 1,5 triệu đồng/ thùng 10kg.

Trả lời thắc mắc của phóng viên về sự chênh lệch giá, chị Thu Anh – chủ cửa hàng trái cây tại chợ Long Biên cho biết: “So với cách đây khoảng 4 năm, khi mới bắt đầu thời điểm rộ trái cây nhập khẩu thì giá các sản phẩm này đã giảm rất nhiều, bởi hiện tại có nhiều nhà phân phối nhận hàng với số lượng lớn, khiến giá thành hạ thấp, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng”.

Nhưng điều đáng nói là các loại trái cây được dán nhãn nhập khẩu lại được lấy ra từ những hộp lớn bên ngoài toàn chữ Trung Quốc. Hàng sau khi được đổ về chợ sẽ được phân phối đi khắp thành phố với thùng, tem và mác nhập khẩu khiến người tiêu dùng không thể phân biệt được.

 Trái cây nhập khẩu bán trong các cửa hàng,siêu thị có giá cao hơn ngoài chợ

 Cũng được dán tem, Táo Envy bán ở chợ Long Biên lại có giá thấp hơn nhiều so với hàng bán trong siêu thị

Trên các trang mạng, trái cây nhập khẩu được giới thiệu tràn lan. Chủ trang bán hàng còn trưng cả tem nhãn có hình trái táo kèm theo dòng chữ HACCP, GolbalGAP… Khi có người nghi ngờ tem nhãn lạ, mới thấy lần đầu và trong siêu thị không có loại tem này, người bán hàng vội vẫ phân trần: “Tem này được dán ngay tại nơi thu hoạch cho nên chị cứ yên tâm. Em có người nhà ở nước ngoài nên trái cây cứ đúng vụ là họ lại đóng thùng gửi về. Chị xem, những tiêu chuẩn trên trái là theo ở bên đó, chứ nước mình chỉ có VietGAP là cao lắm rồi”.

Hoang mang trước hàng loạt sản phẩm trái cây nhập khẩu chị Trần Thanh Huyền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu như trước, hoa quả nhập khẩu là mặt hàng xa xỉ, thì nay chỉ cần chạy ra chợ là cũng đã mua được mặt hàng này. Tuy nhiên, nếu so sánh về giá thì có sự chênh lệch rất lớn. Chính vì vậy người tiêu dùng chẳng biết chất lượng thế nào mà lần”.

Thật giả khó phân

Cửa hàng nào cũng khẳng định sản phẩm trái cây của mình là nhập khẩu 100% nhưng theo các chuyên gia, hiện trên thị trường trái cây trong nước đang tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc được nhập qua đường tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Nhiều cơ sở kinh doanh đã lợi dụng tem mác để “lên đời” sản phẩm nhằm móc túi người tiêu dùng.

 Nguồn gốc trái cây nhập khẩu đang khiến nhiều người tiêu dùng nghi ngại

Nguyên nhân dẫn tới sự nhập nhằng về chất lượng là do hầu hết các loại trái cây nhập khẩu trên thị trường đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trưởng Ban Quản lý chợ Long Biên xác nhận, hằng đêm, số lượng trái cây Trung Quốc như táo, lê, cam vẫn chiếm sản lượng lớn trái cây ngoại nhập tại chợ. Ban Quản lý chỉ kiểm tra xem lô hàng có đúng xuất xứ tem nhãn ghi trong hóa đơn không, còn ra khỏi chợ, tiểu thương tự in tem rồi dán vào thì Ban Quản lý chợ không kiểm soát được.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, đại diện một siêu thị tại địa bàn Quận Cầu Giấy cho biết, hàng hóa đưa vào siêu thị đều phải có hóa đơn và giấy tờ chứng mình nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm. " Chúng tôi chỉ biết căn cứ trên giấy tờ, còn soi từng quả táo, quả kiwi, quả lê có phải từ nước A, nước B thì... không thể", đại diện siêu thị này cho biết.

Về việc quản lý nguồn gốc các loại trái cây nhập khẩu hiện nay, bà Chu Thị Thu Hương, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường , Bộ Công thương thừa nhận, mặc dù việc chống hàng giả là trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường, nhưng muốn phát hiện có đúng trái cây Trung Quốc dán nhãn mác ngoại hay không thì phải kiểm tra giấy tờ, chứng nhận, thậm chí truy xuất nguồn gốc. “Tuy nhiên vấn đề hiện nay là chúng ta vẫn chưa thực hiện được việc bắt buộc phải có chứng nhận nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu, mặc dù đã có quy định, nên việc kiểm soát vô cùng khó khăn”, bà Hương giải thích thêm.

Cũng theo Phó Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường, tem nhãn chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là công bố những thông tin về sản phẩm đến người dùng, không có chức năng chống giả về mặt pháp lý. Hiện vẫn chưa có quy định nào về quản lý cụ thể việc in ấn tem nhãn, in mã vạch dán lên sản phẩm, có thể là doanh nghiệp tự in hoặc đặt công ty in ấn theo yêu cầu. Vì vậy, căn cứ vào mã vạch hay tem nhãn thôi thì chưa đủ để giúp người tiêu dùng thật sự phân biệt 100% nguồn gốc, xuất xứ chính xác của sản phẩm mà còn cần kết nối tem nhãn, mã vạch đó với những công nghệ bảo mật tiên tiến khác, nhất là tem chống hàng giả.

Trước tình trạng vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm diễn ra phổ biến như hiện nay, các cơ quan chức năng cần có những hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Mặt khác, người tiêu dùng hạn chế sử dụng nông sản trái vụ, nông sản được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ. Nên mua sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để gia tăng sự an toàn cho gia đình.

Bát nháo mác trái cây nhập khẩu(VietQ.vn) - Thị trường trái cây nhập khẩu có thể nói là đang rơi vào tình trạng "bát nháo" khi người tiêu dùng và cơ quan chức năng không thể phân biệt được xuất xứ chính xác của các loại trái cây gắn mác nhập khẩu và được bán với đủ loại giá.

 Tuấn Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang