Trẻ uống nhầm dầu xoa bóp do sơ ý của người lớn, cần thận trọng khi cất giữ

author 11:22 17/10/2020

(VietQ.vn) - Dầu xoa bóp là sản phẩm quen thuộc trong mỗi tủ thuốc của các gia đình, tuy nhiên nếu nhà có trẻ nhỏ cha mẹ cần cất giữ cẩn thận vì trẻ dễ nhầm lẫn và uống phải.

Một trường hợp đáng tiếc vừa mới xảy ra tại TP. HCM. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi 2 tuổi (ngụ tại huyện Bình Chánh) được người nhà đưa tới trong tình trạng thở nhanh, sốt nhẹ, buồn nôn, hơi thở đậm mùi dầu gió. Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, trước đó, bé được người nhà cho uống khoảng nửa nắp dầu xoa bóp vì nhầm lẫn với siro ho. Sau khi uống, trẻ khóc thét, buồn nôn nhưng không nhổ ra kịp. May mắn, hầu họng, chức năng gan, thận của trẻ không bị ảnh hưởng. Hiện tại, bé trai ổn định sức khỏe.

Trẻ uống nhầm dầu xoa bóp thay vì uống siro ho phải nhập viện. Ảnh: Zing News 

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM cho biết, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận trường hợp bị ngộ độc các hóa chất như thuốc trừ sâu, chất tẩy, xăng dầu, cồn... Đa số bệnh nhi uống nhầm vì các hóa chất được chứa trong vỏ chai nước suối, nước ngọt. Nhiều trường hợp bị ngộ độc do người nhà sơ ý cho uống.

Một trường hợp tương tự cũng xảy ra tại TP. HCM trước đó, theo đó bệnh nhi T.H.L., 5 tuổi, tới nhập viện Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 trong tình trạng thở nhanh, sốt, buồn nôn...

Theo lời kể của mẹ bé L., trong lúc chơi trong nhà, thấy chai nước suối để gần đó, bé L. đã lấy uống mà không biết đó là chai đựng dầu xoa bóp của mẹ. Vài giờ sau khi uống, L. mệt, buồn nôn. Khi mẹ hỏi nguyên nhân thì bé L. đưa chai nước vừa uống cho mẹ xem. Ngay lập tức gia đình đưa bé đến cấp cứu tại BV Nhi đồng 2. Được bác sĩ chỉ định dùng than hoạt tính, kháng sinh và điều chỉnh rối loạn điện giải sức khỏe mới ổn định.

Lý do không nên sử dụng xoong, chảo chống dính đã quá cũ(VietQ.vn) - Chảo chống dính là vật dụng phổ biến trong gian bếp của nhiều gia đình tuy nhiên sau thời gian sử dụng sản phẩm này cũng có thể gây độc hại khôn lường, nhất là sản phẩm kém chất lượng.

Qua 2 trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên để hóa chất trong các dụng cụ, chai đựng thức uống vì dễ làm trẻ nhầm lẫn. Cha mẹ cũng lưu ý để thuốc và hóa chất xa tầm với của trẻ hoặc cất trong tủ có khóa, tránh gây hậu quả đáng tiếc.

Khi phát hiện trẻ uống phải hóa chất, hoặc những thứ nghi ngờ, trước tiên phụ huynh đưa trẻ đến cơ sở y tế và thông tin cho bác sĩ về hóa chất nghi ngờ trẻ đã uống. Thông tin về loại chất mà trẻ uống nhầm rất quan trọng, nếu có thuốc giải đặc hiệu, bác sĩ giải quyết được vấn đề ngộ độc, không làm mất thời gian vàng điều trị do đó cha mẹ cần cung cấp chính xác thứ trẻ uống. Bởi tùy hóa chất mà trẻ uống, bác sĩ đặt gây nôn, hoặc bơm rửa dạ dày, không phải trường hợp nào cũng gây nôn vì sẽ có nguy cơ hít vào đường thở, gây viêm phổi.

Đặc biệt cha mẹ cần lưu ý, khi gặp trường hợp trẻ ngộ độc hóa chất phải bình tĩnh sơ cứu và đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất, tùy vào đánh giá tình trạng của trẻ mà bác sĩ chuyển trẻ đến tuyến cao hơn để có biện pháp đặc hiệu hơn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang