Trốn đi nghĩa vụ quân sự còn nhiều

author 09:34 13/11/2014

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa nêu những bất cập đang tồn tại trong công tác tuyển quân hiện nay.

Chiều 12/11 Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Vẫn “chạy chọt” trốn đi nghĩa vụ quân sự

Chia sẻ những bức xúc từ phản ánh của cử tri, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, tình trạng bất công, “chạy chọt” trốn đi nghĩa vụ quân sự trong thực tế đang tồn tại rất nhiều. Có trường hợp “trốn” bằng cách vin vào luật thuộc dạng đối tượng tạm hoãn là học sinh, sinh viên… để lơ chuyện phải đi nghĩa vụ; hay cũng có trường hợp “chạy” thẳng bằng tiền để được nằm trong diện tạm hoãn đi nghĩa vụ quân sự….

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phản ánh tình trạng bất cập trong tuyển quân.

“Phải nâng cao giáo dục ý thức cho thanh niên để họ hiểu rằng đi nghĩa vụ quân sự ngoài tham gia bảo vệ Tổ quốc thì còn là nghĩa vụ công dân. Chứ thực tế tình trạng “chạy chọt” để không phải tham gia nghĩa vụ quân sự còn nhiều lắm” – ĐB Trương Trọng Nghĩa nói và đề xuất, ngoài thu hẹp đối tượng tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự thì dự thảo Luật lần này cũng cần có điều cấm tình trạng chạy chọt.

ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam) đưa ra những bất cập trong chất lượng nguồn thanh niên nhập ngũ hiện nay là quá thấp. Lý do là đối tượng cần phải cho vào quân đội thì lại được miễn, hoãn (trình độ văn hóa cao hoặc có nghề nghiệp cần trong quân đội), trong khi đó hầu hết lực lượng không có công ăn việc làm, trình độ văn hóa không đạt chuẩn hoặc sức khỏe không đảm bảo… lại tham gia vào quân đội. Chất lượng này không góp phần nâng cao nguồn nhân lực tạo ra quân đội mạnh được.

Đại biểu Nam cũng chia sẻ, gần đây khi điều tra xã hội học đối với công dân nhập ngũ và quân nhân xuất ngũ thì nhiều người nói rằng đi cho xong nghĩa vụ, có người thì lại nói là đi với mong muốn có “cơ may” kiếm được quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội, chứ không hoàn toàn vì mục đích bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, việc khắc phục tư tưởng về mặt chính trị, tinh thần là quan trọng.

Kéo dài thời gian phục vụ quân ngũ lên 24 tháng?

Qua quá trình tham gia chiến đấu và huấn luyện nhiều năm, Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình, ĐB đoàn TP.HCM cho rằng, việc kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ từ 18 tháng lên 24 tháng quy định trong dự thảo Luật là hoàn toàn hợp lý.

Thời hạn phục vụ nghĩa vụ quân sự có thể sẽ kéo dài lên 24 tháng

Thiếu tướng Bình phân tích, sau quá trình huấn luyện tân binh 3 tháng, các chiến sĩ bộ binh sẽ bước vào huấn luyện chiến thuật khoảng 10 tháng, trong đó tỷ lệ phân bổ huấn chuyện chính trị chỉ 15%; quân sự chung là 79%, còn lại là 1 số huấn luyện khác. 

Với khối lượng huấn luyện lớn nhưng khoảng thời gian ít nên hiện tại các đơn vị chỉ có thể huấn luyện chiến thuật ở cấp trung đội là cao nhất. Chưa kể, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với bộ binh hiện là 18 tháng, nhưng chiến sĩ phục vụ trên tàu hải quân lại là 24 tháng đã tạo nên sự bất bình đẳng của đối tượng tham gia.

“Chúng tôi vẫn hay nói đùa rằng có đồng chí chỉ huy dẫn dắt đội quân với hình ảnh “gà mẹ dẫn một bày gà con”. Có chiến sĩ thậm chí tới lúc tham gia chiến đấu còn chưa nhuần nhuyễn trong thao tác chiến đấu, điều này rất nguy hiểm. Kéo dài thêm thời gian thực hiện nghĩa vụ chỉ 6 tháng thôi cũng đủ để trang bị cho người lính đầy đủ chiến thuật tốt nhất”- Thiếu tướng Bình chia sẻ.

Quan điểm của ông cũng nhận được sự đồng thuận từ nhiều ĐBQH khác. Trung tướng Lê Văn Hoàng, ĐB đoàn Đà Nẵng đánh giá, nếu thời gian tham gia nghĩa vụ chỉ 18 tháng như Luật hiện hành thì rất khó khăn trong việc xây dựng lực lượng quân sự, yêu cầu xây dựng chính quy tinh nhuệ, hiện đại.

“Quân đội được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, đòi hỏi phải có thời gian tìm hiểu, công tác phối tác chiến cũng cần có thời gian huấn luyện. 18 tháng là không đủ, cấp trung đoàn hợp luyện gần như không được. 24 tháng sẽ hợp lý hơn, vừa phù hợp tình hình huấn luyện chiến thật trong quân đội hiện nay, vừa đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng tham gia quân đội”- Trung tướng Hoàng nói.

Tuổi gọi nhập ngũ sinh viên đại học

Về kéo dài thêm khung độ tuổi gọi nhập ngũ với đối tượng học đại học, cao đẳng, theo ĐB Cù Thị Hậu (Hưng Yên), lâu nay có tình trạng chỉ con em nông dân, trình độ học rất thấp mới tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong khi chúng ta có nhiều thiết bị tối tân , đòi hỏi chiến sỹ phải có trình độ cao. Hay như với sinh viên y khoa ra trường đã ở độ tuổi 25, muốn cống hiến cho quân đội thì cũng rất khó vì đã “kịch trần” về khung độ tuổi. Nếu nới quy định thêm 2 năm nữa thì sẽ thu hút một lượng bác sỹ không nhỏ tham gia nhập ngũ, cống hiến cho quân đội, trong khi không phải bỏ chi phí đào tạo….

Vì thế, việc kéo dài thêm 2 năm gọi nghĩa vụ quân sự với đối tượng học đại học, cao đẳng bà Hậu cho là hợp lý, để thu hút thêm nhiều đối tượng có chất lượng cao cho quân đội.

Bên cạnh khá nhiều ý kiến ủng hộ thì cũng có ý kiến của những vị tướng trong quân đội phản đối. Thừa nhận, trước nay tỷ lệ đối tượng học đại học, cao đẳng thực hiện nghĩa vụ quân sự chiếm tỷ lệ thấp, song Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình yêu cầu giữ nguyên như Luật hiện tại, tối đa 25 tuổi chứ không nhất thiết phải kéo dài tới 27 tuổi. Bởi lẽ, sinh viên tốt nghiệp đại học khoảng 22-23 tuổi, so với khung hiện nay thì họ vẫn còn 2 năm để thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo Infonet


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang