Trung Quốc "cứu" gạo: Tổng Công ty lương thực sướng lắm!

author 07:06 29/07/2014

"Giờ Trung Quốc mua được với giá cao thì nông dân có lúa cứ bán. Tôi không tin các Tổng công ty lương thực làm được cái gì lớn".

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nói.

Nông dân bán được cứ bán

Những ngày qua, giá lúa gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng vọt. Thương lái từ các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả người Trung Quốc đến thu mua giá cao hơn thị trường, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu với giá cao để xuất tiểu ngạch sang TQ. Tiêu chuẩn, chất lượng như độ ẩm, loại gạo… chỉ cần xem xét qua loa, thủ tục mua bán rất dễ dàng.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam đã gặp một số doanh nghiệp chuyên gom gạo sang Trung Quốc. Họ cho biết hiện nay nhu cầu về gạo của Trung Quốc rất lớn. Quốc gia này vừa gặp nhiều thiên tai, bão lụt diễn ra trên diện rộng các tỉnh miền nam nên rất thiếu gạo.

Trung Quốc thu mua ồ ạt, giá lúa gạo tại Đồng bằng Sông Cửu Long liên tục tăng từ đầu tháng 7 tới nay

"Tất nhiên Trung Quốc sẽ đến Việt Nam mua gạo vì gần. Nhưng mùa thu hoạch ở Việt Nam đã qua, chỉ có một số hộ dân trồng lệch vụ còn thu hoạch, hoặc một số hộ có khả năng dự trữ gạo thì bán, chứ gạo Việt Nam bây giờ không còn nhiều. Trong khi đó Việt Nam vừa ký thêm hợp đồng gạo bán cho Philippines (200.000 tấn), Indonesia (500.000 tấn) nên nhu cầu về gạo rất lớn, đều tập trung vào thị trường Việt Nam cả.

Đây là cơ hội để Việt Nam bán gạo được giá hơn, có thị trường rộng hơn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại thụ động, mua bán chộp giật là chính, Trung Quốc đến mua thì bán, không đi sâu tìm hiểu thị trường, không có sách lược, biện pháp để bán được giá hơn hay tạo quan hệ lâu dài. Việt Nam không có doanh nghiệp có trình độ như vậy nên dù có thể tận dụng được cơ hội để đẩy giá lên nhưng không phải là cao lắm", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Theo khảo sát, hiện thương lái làm đầu mối cho Trung Quốc chấp nhận mua gạo với giá cao hơn hẳn. Chẳng hạn gạo 5% tấm họ sẵn sàng trả từ 10.500 -  11.000 đồng/kg, trong khi giá hiện tại trên thị trường là 9.500 đồng/kg.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhận định, trong lúc này có thể Trung Quốc chẳng đủ bình tĩnh để ép giá nông dân Việt Nam như vẫn làm bởi họ thực sự thiếu gạo, nhiều tỉnh Trung Quốc chủ động tìm mua gạo Việt Nam chứ không ngồi chờ. Chính vì thế, người nông dân bán được lúa giá cao thì cứ bán.

"Nông dân không cần quan tâm bán cho ai, giờ người ta mua được với giá ấy thì bán chứ chẳng biết gạo đi về đâu, vào tay ai là người cuối cùng. Buôn gạo thường chộp giật, người dân cũng mua đứt bán đoạn, được giá thì bán, bán thì nhận tiền, chỉ không ổn định chứ khó bị lừa".

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng cảnh báo, Trung Quốc đang thu mua giá cao, nông dân được lãi thì cứ hưởng nhưng chớ vì thế mà năm sau lại ồ ạt trồng thật nhiều, thậm chí cả gạo phẩm chất thấp, Trung Quốc không có nhu cầu thu mua nữa thì người dân lại rơi vào cảnh được mùa mất giá, lại thua lỗ.

Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng một bộ phận nông dân trở thành chân rết của thương lái đứng ra thu gom lúa gạo cần thận trọng. "Kinh nghiệm xương máu là năm nay chỉ mua đứt bán đoạn, trừ các công ty quen, có hợp đồng, từng đặt hàng, đã đầu tư phân bón, vật tư, còn đa phần không có quan hệ hợp đồng, đặt hàng, ứng vốn... Cái này không có tính ổn định lâu dài, chỉ là nhất thời trước mắt Trung Quốc có nhu cầu lớn nên sẵn sàng mua giá cao hơn".

Tổng công ty lương thực sướng lắm

Cho rằng người nông dân bán được lúa gạo giá cao thì quá tốt nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Nam lại nhận định đây cũng chính là lỗ hổng của quản lý nhà nước bởi không có các doanh nghiệp kinh doanh gạo thực sự đủ mạnh, đủ uy tín để gắn bó với nông dân.

Đề cập đến vai trò của các Tổng công ty lương thực vốn được Nhà nước giao giữ vai trò kết nối đầu ra, đầu vào với nông dân, PGS.TS Nguyễn Văn Nam lắc đầu bởi ông không tin các đơn vị này có thể làm được cái gì lớn.

"Nhà nước cứ phó thác, trông chờ vào mấy Tổng công ty lương thực trong khi thực ra đó không phải là những đơn vị kinh doanh thực thụ, những nhà buôn đúng nghĩa. Họ không gắn bó với nông dân, chẳng biết nông dân là ai. Xưa nay các Tổng công ty sướng lắm, họ cứ ngồi chờ một đầu Nhà nước bao cấp, trợ giá, một đầu ký kết những hợp đồng lớn rồi phân bổ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tự làm chứ họ đâu có làm rồi ăn phần trăm, phết phẩy", ông Nam thẳng thắn.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, các Tổng công ty lương thực không bôn ba, tiếp cận với dân để mua thóc gạo cũng không tính toán được thị trường lúc nào giá tăng, lúc nào giá xuống để dự trữ gạo, bán được giá.

Chính vì thế, ông Nam cho rằng phải để những doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kinh doanh thật, nếu làm ăn được, có cơ hội phát triển, lợi nhuận tăng lên thì may ra Việt Nam mới có những nhà buôn gạo thực sự.

"Bộ trưởng Nông nghiệp và các hiệp hội phải tổ chức lại kinh doanh lúa gạo, phải có những công ty kinh doanh thực sự, nằm trong chuỗi giá trị từ người trồng lúa, gắn bó với nông dân, đặt hàng, mua hàng rồi bán đến thị trường cuối cùng. Phải hình thành chuỗi và chỉ huy chuỗi chứ không phải là một tổ chức hoạt động mang tính hành chính nửa nhà nước nửa kinh doanh như các Tổng công ty lương thực đang làm.

Nông dân cũng phải trở thành chủ lực sản xuất chứ không phải chỉ làm nhỏ lẻ vài công đất nữa. Họ phải liên kết thành nhóm, trồng trọt trên vài chục, vài trăm héc ta, đến lúc ấy quyền lợi của nông dân mới được bảo đảm, tiếng nói mới được ghi nhận, năng lực kinh doanh, năng lực pháp lý, thị trường của nông dân mới khá lên".

"Chính vì thế phải tái cơ cấu, phải làm lại hết. Bản thân các Tổng công ty lương thực phải tái cơ cấu chức năng, nhiệm vụ, phải thực sự là một đơn vị kinh doanh có chân rết tại những cánh đồng trồng lúa của nông dân, chứ không phải ngồi đó tranh thủ những ưu đãi bổng lộc của Nhà nước rồi phân phát, ăn phần trăm", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

 

Theo Đất Việt

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang