Trung Quốc thua kiện tại WTO về hạn ngạch đất hiếm?

author 09:55 12/11/2013

(VietQ.vn) - Tổ chức Thương mại Thế giới ủng hộ khiếu nại của Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản trước việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại đất hiếm.

131112_rare earth

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng Trung Quốc làm như vậy là vi phạm tự do thương mại. Quyết định chính thức còn chưa được công bố. Trong khi đó, cuộc chiến đất hiếm vẫn chưa ngã ngũ vì Trung Quốc có quyền kháng cáo.

Lần đầu tiên trong lịch sử WTO cùng lúc có ba “cầu thủ” địa chính trị lớn cùng hợp sức kiện lên Tòa án trọng tài và sau đó buộc nhà độc quyền trên thị trường kim loại đất hiếm phải thua kiện.

Trung Quốc kiểm soát 95% thị trường đặc biệt này. Các nhà nhập khẩu lớn nhất – Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu - đã chứng minh được tại tòa án trọng tài rằng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu với mục đích tạo ra sự khan hiếm về thứ hàng hóa này, dẫn đến tăng giá.

Nhà phân tích Leonid Grigoriev, Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Thế giới của Trường Kinh tế Cấp cao (Nga), nhận xét: “Tiến trình tố tụng sẽ tiếp diễn. Trung Quốc chắc chắn sẽ kháng cáo. Đó sẽ là câu chuyện kéo dài. Giải quyết xung đột trong WTO là chuyện rất phức tạp”.

Trong khi đó, sức ép đối với Trung Quốc rõ ràng là khá cứng rắn và có sự phối hợp. Xuất khẩu kim loại đất hiếm là chiếc đòn bẩy chính trị-kinh tế mạnh của Trung Quốc. Các đối thủ cạnh tranh đang cố gắng để triệt bỏ chiếc đòn bẩy này. Các chuyên viên độc lập Mỹ cũng phải thừa nhận rằng Washington có thể cũng hành xử như Trung Quốc, nếu độc quyền trên thị trường kim loại hiếm. Thị trường đất hiếm đã trở thành vũ đài của cuộc đua tranh địa chính trị khắc nghiệt.

Nhà phân tích Aleksandr Salitsky của Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (Viện Hàn lâm Khoa học Nga) cho rằng: “Ở đây bộc lộ chính sách hoàn toàn có ý thức nhằm kiềm chế đà tăng trưởng nhanh chóng và thành công của Trung Quốc. Đà tiến hướng tới vai trò thủ lĩnh trong nền thương mại thế giới cũng như qui mô kinh tế-tài chính tương đối khổng lồ của Trung Quốc rõ ràng khiến phương Tây không hài lòng. Các đối thủ cạnh tranh muốn làm cho Bắc Kinh hiểu rằng họ cực kỳ khó chịu trước tham vọng giành vai trò chủ đạo”.

Vấn đề không đơn thuần không phải chỉ gói gọn trong kim loại đất hiếm. Cốt lõi mắc mớ ở đây là tổ hợp rất phức tạp của mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Mỹ và Liên minh Châu Âu.

Chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông Yakov Berger nhận định: “Để Trung Quốc nhân nhượng về kim loại đất hiếm, nước này cần nhận được một số ưu tiên nào đó trong các thị phần kinh tế-thương mại khác hay là trong những vấn đề chính trị. Ví dụ, hiện tại Trung Quốc đang vướng vào cuộc tranh chấp lãnh thổ rất rắc rối ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đối với Bắc Kinh điều hết sức hệ trọng là trong cuộc tranh chấp với các nước láng giềng không có sự tham gia của những đối thủ địa chính trị đáng gờm như Mỹ và Nhật Bản. Còn đối với các quốc gia này thì yêu cầu quan trọng là nắm con át chủ bài WTO để buộc Trung Quốc nâng hạn ngạch xuất khẩu kim loại đất hiếm”.

Năm ngoái, Trung Quốc đã có nhượng bộ và tăng hạn ngạch xuất khẩu lên gấp đôi. Bắc Kinh cũng tạo lập sàn chứng khoán của Trung Quốc về kim loại đất hiếm. Đó cũng đã là một bước tiến đáp ứng những đòi hỏi của phương Tây và Nhật Bản.

 

Văn Bảo (theo VOR)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang